Trong lúc tôi đang say sưa kể cho lũ trẻ nghe câu chuyện về McDonald thì cửa mở, một người phụ nữ lạ lùng bước vào phòng, đứng bên cạnh cửa, lặng lẽ quan sát cả lớp.
Tuy không bị dao động trong giọng đọc và nụ cười với học sinh nhưng thành thật mà nói, tôi cũng cảm thấy khá căng thẳng. Người phụ nữ này là ai? Tại sao lại ở đây? Chính xác cô ấy đang quan sát ai, cái gì? Nhưng khi tôi nhìn lên lần nữa, người phụ nữ đã bỏ đi.
Cuối cùng một ngày cũng trôi qua yên ả, công việc của tôi chẳng gặp nhiều khó khăn như vẫn nghĩ. Cho đến lúc học sinh cuối cùng được đón thì tôi đã mệt nhoài và kiệt sức, chỉ mong ngâm mình trong nước nóng rồi ngủ một giấc thật dài. Nhưng gần khi ra về, bà hiệu trưởng bước vào và yêu cầu được nói chuyện riêng với tôi.
Tim tôi đập mạnh, tôi đã làm gì sai à? Người quan sát tôi buổi sáng đã nói gì chăng? Tôi đã chọn sai những bài hát? Thời gian dạy hay đọc truyện quá dài? Quá ngắn? Trên đường đến văn phòng hiệu trưởng, tôi như người đang bị chìm tàu – tuyệt vọng. Tôi ngồi sát mép ghế, chờ tai họa giáng xuống đầu.
Hiệu trưởng cho tôi biết người phụ nữ sáng nay tài trợ chính cho nhà trường, cô ấy đến để xem trong một lớp học bình thường, con gái của cô ta được dạy dỗ như thế nào.
Cô bé có một khuyết tật bẩm sinh ở chân và khó giữ thăng bằng, đi lại chậm chạp, khó khăn. Chỉ cần một cái xô đẩy nhẹ cô bé có thể ngã ngay. Và vấn đề là tôi phải để ý, nhắc nhở lũ trẻ trong lớp đừng đứng gần cô bé quá.
Hiệu trưởng hỏi liệu tôi có thấy bất tiện khi nhận trông cô bé đó không. Tôi im lặng. Tôi đang được yêu cầu đảm nhiệm chăm sóc một đứa trẻ với những nhu cầu đặc biệt, và tôi chấp nhận.
Đêm đó tôi không tài nào chợp mắt, cứ lo lắng, băn khoăn đến tận sáng. Đi làm với cái dạ dày rỗng toếch, bắt đầu bài học buổi sáng cho đến khi cửa mở, người phụ nữ bế đứa trẻ vào và giao cho tôi. Cô bé tên là Kelly. Hầu hết học sinh trong lớp đều chào đón Kelly một cách nồng ấm. Tôi nhìn Kelly, và cô bé nhìn lại tôi.
Ngày đầu tiên trôi qua tốt đẹp; chỉ có điều Kelly đã ngã hai lần. Những ngày sau, nhìn cô bé chống nạng bước đi, tôi nghĩ, tại sao không động viên Kelly tự đi một mình mà không cần nạng?
Tôi hỏi Kelly liệu cô bé muốn thử, Kelly đồng ý và rất thích thú. Ngày thứ hai, thứ ba, Kelly bắt đầu tự mình bước đi.
Những đồng nghiệp của tôi rất ngạc nhiên, tôi tiếp tục động viên cô bé. Bước đi của cô bé ngày càng xa hơn. Có lần tôi sợ chết khiếp khi thấy Kelly loạng choạng ở chân cầu thang, nhưng cô bé quay lại, mỉm cười và nói mọi chuyện vẫn ổn.
Kelly và tôi tiếp tục tập luyện và tiến dần xuống cầu thang. Tôi vẽ biểu đồ sự tiến bộ của cô bé với những dấu bút chì trên tường. Mỗi dấu đều cao hơn một chút. Các bạn trong lớp bắt đầu chú ý hoan hô khi cô bé men dọc theo lan can đi xuống. Sau vài tuần, Kelly đã có thể chập chững tự đi lên lớp mà không cần nạng. Moi người rất vui mừng và chuẩn bị tiệc chúc mừng sự kiện đó.
Kelly dần trở nên độc lập hơn. Bỗng một dạo, cô bé vắng mặt. Khi đến nhà tìm, tôi được biết cô bé đi Manhattan để kiểm tra sức khỏe hàng năm.
Sáng Thứ hai, mẹ Kelly đưa con đến và hỏi tôi đã làm gì khác thường với cô bé. Tôi không hoàn toàn chắc chắn bà ấy có ý gì, cho đến khi bà hỏi: "Cô bắt Kelly tập đi phải không?".
Tôi đã sai lầm rồi, lẽ ra tôi không nên để Kelly đi bộ, có thể tôi đã làm chân của Kelly yếu đi. Lẽ nào chính tôi đã đẩy Kelly lên chiếc xe lăn suốt đời?
Tôi nhẹ nhàng nói với mẹ Kelly rằng tôi đã động viên cô bé tập đi, và cô bé rất thích thú. "Con bé đã luyện tập ở đây nhiều hơn bốn năm qua cộng lại" – mẹ Kelly nói. "Tôi phải làm sao để cảm ơn cô đây?".
Tôi ôm chặt Kelly và nói: "Được dạy dỗ bé là sự may mắn lớn nhất trong đời tôi".
Mười bảy năm sau, Tôi nhớ quãng đường Kelly đã đi dài như thế nào. Bất cứ khi nào bị áp lực hay cảm thấy mệt mỏi, tôi lại nghĩ đến Kelly và nụ cười tươi tắn của cô bé, trong sự đau đớn khi cố gắng tiến lên hay xuống cầu thang. Cô bé đã dạy tôi biết rằng cuộc sống chỉ có những chướng ngại khi ta không dám vượt qua.