Sydney Fikelstein, giáo sư tại Trường kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth là tác giả của rất nhiều cuốn sách về lãnh đạo, như "Tại sao giám đốc thông minh lại thất bại" hay "Tại sao lãnh đạo giỏi lại có quyết định kém". Dười đây là danh sách những CEO tệ nhất thế giới năm 2012 của Fikelstein, được đăng tải trên Business Week.
1. Brian Dunn
Công ty: Best Buy
Brian Dunn đã từ chức vào tháng 4 sau scandal tình ái với một nữ nhân viên trẻ trong công ty. Tuy nhiên, đó không phải lý do ông góp mặt trong danh sách năm nay. Giá cổ phiếu giảm, doanh số bán hàng thấp, mất thị phần vào tay các đối thủ nhanh nhạy hơn và khoản chi tới 6,4 tỷ USD mua lại cổ phiếu mới là nguyên nhân chính.
2. Aubrey McClendon
Công ty: Chesapeake Energy
CEO của Tập đoàn khí đốt lớn thứ hai nước Mỹ – Chesapeake đang gặp rắc rối với cả tình hình tài chính công ty và cá nhân. Ông đã dùng số cổ phần của mình trong tập đoàn để vay 1,1 tỷ USD trong 3 năm và quản lý một quỹ đầu cơ dầu mỏ trị giá 200 triệu USD. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là việc làm gây "xung đột lợi ích rất rõ ràng". Ngoài ra, CEO này còn dùng máy bay công ty cho mục đích cá nhân và kí hợp đồng tài trợ cho đội bóng rổ Oklahoma City Thunder khi ông còn sở hữu đội này.
3. Andrea Jung
Công ty: Avon
Jung đã từ chức CEO Tập đoàn mỹ phẩm Avon vào tháng 4, nhưng vẫn là chủ tịch cho đến hết năm nay. Bà đã thất bại trong việc khắc phục các vấn đề về tổ chức của công ty, không tìm được người kế nhiệm và từ chối lời đề nghị mua lại của Coty trị giá 10,7 tỷ USD. Kể từ năm 2004, giá trị thị trường của Avon đã giảm từ 21 tỷ USD xuống 6 tỷ USD. Công ty này cũng mất 300 triệu USD chi phí pháp lý do bị cáo buộc hối lộ quan chức nước ngoài.
Tuần trước, Avon đã tuyên bố rút khỏi Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời cắt giảm 1.500 nhân viên do tình hình kinh doanh bết bát.
4. Mark Pincus
Công ty: Zynga
Cổ phiếu của mạng xã hội trò chơi Zynga đã giảm 75% trong năm nay và các lãnh đạo tài ba cũng đang lần lượt rời bỏ công ty này. Pincus tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Wharton năm 1988 và MBA của Harvard năm 1993. Tuy nhiên, theo Finkelstein, sai lầm của Pincus là đã dựa dẫm quá nhiều vào Facebook, và chẳng mấy khi tin tưởng vào triển vọng công ty khi bán ra tới 16 triệu cổ phiếu Zynga sau IPO.
5. Rodrigo Rato
Công ty: Bankia
Rato đã từ chức Chủ tịch ngân hàng Bankia (Tây Ban Nha) vào tháng 7. Ông từng là Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha và giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Tuy nhiên, Rato đang bị điều tra vì lừa đảo, thao túng giá và biển thủ trong vụ sụp đổ Bankia, khiến chính phủ phải ra tay cứu trợ. Năm 2011, ngân hàng này công bố lợi nhuận 309 triệu euro. Sau khi Rato từ chức, con số này là lỗ 3 tỷ euro.
Theo Finkelstein, cả CEO Facebook – Mark Zuckerberg và CEO Groupon – Andrew Mason đều suýt lọt vào danh sách này. Sai lầm của Zuckerberg là "cái tôi quá lớn" và cả hai đều để cổ phiếu công ty tuột dốc không phanh. Finkelstein cho rằng: "Chẳng có lý do nào để tin là họ có kỹ năng điều hành một công ty lớn".
Hà Thu (theo Business Week)