rước tiên, có thể thấy ngay là các DN có nguồn thu ngoại tệ được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá USD/VND liên ngân hàng. Cụ thể là nhóm DN ngành dầu khí, xuất khẩu thủy sản, may xuất khẩu.

Đại diện CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) cho biết, tỷ giá tăng thì mỗi đồng USD xuất khẩu Công ty được lợi 800 đồng. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Công ty vẫn tốt trong các tháng cuối năm. ABT lại không sử dụng vốn vay, vì còn dư hơn 150 tỷ đồng tiền mặt gửi ngân hàng. Nhìn về mọi mặt thì ABT hoàn toàn được hưởng lợi từ chính sách tài chính tiền tệ mới.

CTCP Thủy sản Mê Kông (AAM) cũng được hưởng lợi từ việc tỷ giá tăng do có nguồn thu từ xuất khẩu thủy sản. AAM không sử dụng vốn vay ngân hàng, mà còn dư vài chục tỷ đồng gửi ngân hàng nên được hưởng lợi, nên không phải chịu chi phí lãi vay tăng thêm khi lãi suất cơ bản tăng kéo theo lãi vay tăng.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn (GMC) cho biết, tăng tỷ giá có thể giúp Công ty lời thêm 1 đến 2 tỷ đồng từ nay đến cuối năm.

Nhóm DN bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng tỷ giá là các DN nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép nguyên liệu các loại bằng USD. Việc tăng tỷ giá khiến giá vốn tăng tương ứng với mức tăng tỷ giá. Trong điều kiện kinh tế ổn định, khi giá vốn tăng, các DN thép sẽ tăng giá bán. Nhưng khó khăn trước mắt là nhu cầu tiêu thụ trong nước đang yếu nên các DN ngành thép nhiều khả năng sẽ tăng dần dần.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC, giá bán thép có nhích lên, nhưng chưa bằng tỷ lệ tăng giá đầu vào do tác động của chênh lệch tỷ giá, nên trước mắt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Công ty sẽ giảm.

Đại diện CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, giá bán sản phẩm đã tăng 2,5% và sẽ tiếp tục tăng nhẹ tương ứng với mức tăng tỷ giá.

Về vấn đề chi phí lãi vay và giảm hỗ trợ lãi suất, theo ông Anh, DN đã có sự chuẩn bị để đối phó với tình huống này. “Đương nhiên, chi phí tăng lên, lợi nhuận giảm xuống, nhưng vấn đề này không quá nghiêm trọng”, ông Anh nói.

Có thể thấy, tác động của tăng lãi suất và tăng tỷ giá là khác nhau đối với mỗi DN. Nhóm DN bị tác động bất lợi, theo khảo sát của ĐTCK, mức độ ảnh hưởng là giảm lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ tăng tỷ giá, trong điều kiện giá bán sản phẩm (tức đầu ra) không thể tăng. Còn theo lệ thường thì các DN sẽ tăng giá bán tương ứng để đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Tác động trên diện rộng là lãi suất cơ bản tăng. Lãi suất cơ bản tăng 1% có nghĩa là chi phí vốn vay của DN có thể tăng thêm 1,5%/năm. Để ước tính chi phí lãi vay tăng thêm của DN là bao nhiêu, có thể lấy vay nợ ngắn hạn bình quân nhân với 1,5%. Giả sử DN vay 100 tỷ đồng thì chi phí lãi vay tăng thêm theo mặt bằng lãi suất mới là 1,5 tỷ đồng/năm, tương ứng hơn 100 triệu đồng mỗi tháng. Trong trường hợp giá bán trên thị trường không thay đổi thì lợi nhuận của các DN sẽ bị giảm.