Bất kỳ người quản lý nào cũng đều mong muốn nhân viên cấp dưới luôn nỗ lực và có trách nhiệm với công việc. Tuy nhiên trong thực tế, có rất nhiều tình huống nảy sinh từ chính những ứng xử của người quản lý khiến các nhân viên "xích mích".

Vậy người quản lý sẽ phải ứng xử như thế nào để nhân viên của mình thấy được sự công bằng của người lãnh đạo?

Đây là tình huống dành cho một trưởng phòng. Trong phòng cô ta có hai nhân viên là 2 người bạn thân, cùng thời điểm vào Cty với mức lương khởi điểm bằng nhau. Sau một thời gian, căn cứ trên kết quả công việc, cô ta đề xuất với giám đốc tăng lương cho người có hiệu quả làm việc cao hơn. Ai ngờ sau đó, họ trao đổi với nhau và người có lương thấp hơn cảm thấy bất mãn nghĩ rằng công ty không công bằng, người còn lại thì cảm thấy e dè và ngại người bạn của mình. Tình cảm không còn thân thiết như xưa, việc giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành công việc cũng không còn được gắn bó, hiệu quả công việc chung đều bị ảnh hưởng. Người trưởng phòng sẽ làm gì ?

Trong tình huống này, người trưởng phòng có nên gặp mặt hai nhân viên đó, hay gặp riêng nhân viên chưa được tăng lương để giải thích và động viên người đó nỗ lực hơn trong công việc và sẽ tạo cơ hội cho người đó cũng được tăng lương?

Chỉ vì một người được tăng lương mà tình cảm giữa hai người bạn thân từ thời đi học làm cùng  một phòng thay đổi, không còn hỗ trợ nhau trong công việc nữa. Người trưởng phòng sẽ làm gì ? Tình huống này xảy ra đối với một trưởng phòng kỹ thuật. Trong phòng anh ta có hai nhân viên là hai người bạn cùng học và vào công ty cùng một ngày. Sau một thời gian làm việc, hai người đều thể hiện được năng lực nhưng một người khá về chuyên môn hơn còn một người lại có khả năng quản lý và điều phối tốt hơn. Người trưởng phòng bổ nhiệm người có khả năng quản lý tốt hơn làm trưởng nhóm kỹ thuật. Sau vài ngày, anh ta nhận được một đơn xin thôi việc của người kia với lý do cá nhân. Bằng kinh nghiệm, anh ta biết đó không phải là lý do thực sự. Người trưởng phòng sẽ làm gì ?

Trong tình huống này, người trưởng phòng sẽ phải ứng xử sao cho cả hai nhân viên đều phải “tâm phục khẩu phục” và hiểu rõ được vai trò cũng như năng lực của mình đã được sếp đúng vị trí. Vậy người quản lý có nên gặp riêng nhân viên làm đơn xin nghỉ việc để hỏi  rõ lý do và giải thích lý do vì sao mình lại bổ nhiệm nhân viên kia làm trưởng nhóm kỹ thuật. Hay người trưởng phòng sẽ hẹn gặp mặt cả hai nhân viên để giải tỏa những “bức xúc, nghi kị” mà hai người không nói ra….

Còn một tình huống khác xảy ra với người trưởng nhóm. Anh ta xin nghỉ việc, trong phòng đều nghĩ rằng Mr Mquiz – một nhân viên lâu năm, giàu kinh nghiệm sẽ được làm trưởng nhóm. Anh ta cũng đang có ý như vậy. Tuy nhiên sau đó bộ phận nhân sự có bổ sung cho phòng kinh doanh một nhân viên mới, trẻ và đã từng học tập ở nước ngoài vào vị trí trưởng nhóm. Sau một thời gian ngắn, người trưởng nhóm mới nghỉ do không phù hợp với công việc và anh ta đề nghị Mr Mquiz đảm nhận vị trí trưởng nhóm đó. Lúc này, Mr Mquiz tự ái và từ chối làm trưởng nhóm. Người trưởng phòng làm thế nào để thuyết phục anh ta ?

Còn rất nhiều tình huống xảy ra trong thực tế đòi hỏi người quản lý phải có cách ứng xử công bằng, khéo léo để các nhân viên không những phải “tâm phục, khẩu phục”, mà còn không gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân viên. Các tình huống và giải pháp cụ thể sẽ được thể hiện trong chương trình Chìa khoá thành công phát sóng vào tối thứ 4, ngày 6/5 tới sẽ được đăng tải lại trên địa chỉ http://chiakhoathanhcong.vtc.vn.