Tết năm Bính Tuất, tôi về quê. Làng không còn ngôi nhà tranh gần dốc trũng. Một ngôi nhà ngói hai gian hiện lên án ngữ cũ xưa. Chỉ duy nhất thân quen còn nguyên: Cỏ vẫn mọc trong vườn có chủ. Ông Nha không còn.

Tu Ong gia hang xom den Bong de Thuc va mo
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhân vật chính trong “Ông Già Hàng Xóm” năm nao của tôi đã chống gậy lầm lũi về nơi chín suối. Tuổi thơ của tôi cũng đã ra đi. Cả một hành trình tự nhiên, hành trình gian khó, hành trình biến đổi nhận thức một con người.

Từ cô bé nhà quê thương người, hiền hậu mang bát canh cua cho ông già mù hàng xóm thành thiếu nữ lạnh lùng, đồng lõa với bóng tối di truyền quyền lực tối tăm. Ấy là người ta nói về tôi như thế.

Văn chương của tôi, văn chương của cô bé nhà quê 14 tuổi chưa đáng đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh lần 1 năm ấy. Nhưng cô bé học sinh nghèo hiếu thảo đã gây xúc động cho Ban giám khảo vì tấm lòng nhân hậu.

Tôi trở thành tác giả trẻ nhất đoạt giải cuộc thi sáng tác văn học danh giá ngày ấy của báo Tiền phong. Và như một bước ngoặt, dòng sông cuộc đời tôi có một con thuyền lơ lửng chạy ngược màu lý trí.

Lý trí mách bảo tôi không nên viết văn, không được viết văn. Nhưng hố thẳm tận cùng trong lòng kiếp người đơn độc không tuân theo lý trí. Tôi viết như một thôi thúc, dù đôi khi thôi thúc bất thành. Chỉ là thấy mình viết trong những giấc mơ.

Giấc mơ. Có nhà phê bình đã nói, tôi vô tình định nghĩa bút pháp của mình bằng chính lời văn trong “Tình Chuột”. “Chập chờn những hình ảnh, ma mãnh những giấc mơ…”. Thì tôi không thích lối văn tả cảnh tả tình, không thích viết văn như một người kể chuyện thông thường.

Tự nhiên, tôi muốn kể lại giấc mơ của mình bằng chính ngôn ngữ của những giấc mơ. Và trong lòng biết, giấc mơ ấy là biến hóa của hiện thực cuộc đời. Và cũng biết, không phải độc giả nào cũng hiểu và đồng cảm với giấc mơ ma mãnh của mình.

Ồ, nói vậy thì tôi viết văn đầy đau khổ, đâu có vui sướng gì, đâu phải cuộc chơi như đã từng phát biểu. Nhiều người dị ứng với tuyên bố ấy của tôi. Nhưng một lần nữa, xin đừng ép tôi phải nói khác điều tôi nghĩ.

Tôi nói cuộc chơi vì nó không phải tham vọng trong cuộc đời, nó không quan trọng nhất hay quan trọng nhì trong cuộc sống tôi. Không phải công việc tôi làm hàng ngày. Chỉ khi nào những giấc mơ đến, tôi có nhu cầu kể lại giấc mơ của mình, chia sẻ những điều ma mãnh đã chập chờn trong đêm, tôi sẽ viết.

Và nó thành công hay thất bại, không phải mục đích tối thượng. Lẽ tất nhiên, vì không xem nó là công việc hàng ngày, tôi không thích mọi người gọi tôi là nhà văn. Nếu ai nhớ tôi, xin hãy nghĩ tôi là tác giả “Bóng Đè”. Văn chương tôi đôi khi rườm rà, nhưng tôi quen nói thật, nói thẳng những điều tôi nghĩ.

Từ “Ông Già Hàng Xóm”, từ cô bé học sinh san sẻ bát canh cua với ông mù ăn xin, tôi đã vào Đại học. Nơi đó, chính thức những giấc mơ bắt đầu. Những giấc mơ chưa ma mãnh, chỉ mới chập chờn nhiều đêm ký túc xá.

Mọi người liên tục hỏi tôi về “Bóng Đè”, tại sao tôi viết, tôi viết khi nào, cảm giác ra sao. Có nhà văn lớp trước đã mắng chửi tôi thẳng cánh là viết văn trong vô thức, viết bẩn nhớp, không trong sạch, chay tịnh. Tôi ngớ người. Nghĩ mình phải ghi tên vào trường chuyên dạy cách mơ.

Nhưng không ai biết rằng sau hiện thực “Ông Già Hàng Xóm”, giấc mơ đầu tiên đến với tôi là “Huyền Thoại Về Lời Hứa”. Nó còn gắn cùng một nỗi sợ của tôi. Nỗi sợ học Toán!

Tu Ong gia hang xom den Bong de Thuc va mo
Đỗ Hoàng Diệu và "một nửa" của mình Ảnh: Hồng Vĩnh

Mười sáu tuổi, tôi mang theo ước vọng của cha mẹ một đời lam lũ nuôi con ăn học vào trường đại học chỉ với suy nghĩ cố gắng học giỏi để không phải đóng học phí.

Tất nhiên, ước mơ của tôi thành hiện thực, đương nhiên phải thành. Dù rằng, môn Toán cao cấp là nỗi khiếp sợ trong cuộc đời tôi và tôi đã thó bài của bạn để kiếm điểm 6 cho nỗi kinh hoàng này.

Giờ học Toán, tôi ngồi. Tôi mơ. “Huyền Thoại Về Lời Hứa” ra đời trong một giờ học như vậy. Giấc mơ đầu đời về sự bất hạnh của kiếp người, nó đến không định trước năm tôi tròn mười sáu. Và nó báo hiệu nhiều giấc mơ kinh hoàng của tôi sau này.

Nhiều người thắc mắc về cuộc sống riêng của tôi. Họ phỏng đoán, vẽ chân cho rắn, vẽ chó thêm sừng khắp nơi. Họ không biết rằng, khi tôi mười lăm, tôi đã viết một bài luận, và thầy giáo không tin, thầy nói ít nhất bài văn này phải của một người ngoài bốn mươi từng trải!

Tôi không trách họ đã đồng nhất nhân vật và tác giả, bởi chỉ duy nhất mình tôi bơi trong những giấc mơ của chính mình. Chỉ mình tôi biết “Bóng Đè” là một giấc mơ, “Vu Quy” là một giấc mơ. Và tôi không phải người kể chuyện khéo léo, tôi đã kể lại giấc mơ của mình bằng ngôn ngữ hôn mê. Chỉ có điều, cùng với thời gian, giấc mơ tôi ngày càng trở nên khác thường.

Tôi không biết giấu, tôi vẫn hồn nhiên kể. Nhiều người bị sốc, nhiều người không chịu được. Tôi vô cùng xin lỗi. Tôi vẫn muốn ghi tên vào trường học cách mơ, nhưng không ai nhận tôi. Thôi thì đành vậy.

Có người mắng chửi tôi thậm tệ trên báo đã chưng hửng khi đối mặt tôi. Họ cứ nghĩ theo thói đời, tôi sẽ không chào họ, sẽ khinh khỉnh, sẽ chửi bới mạt sát họ cho thoả lòng hận thù.

Họ chỉ thấy tôi cười và nhìn thẳng bằng ánh mắt lắng nghe chăm chú. Đấy là thói quen của tôi. Dù có thể tôi không trọng họ, nhưng tôi không thù. Vì mỗi người đều có nguyên nhân riêng của mình để làm điều này mà không làm điều kia.

Có thể hàng đêm, họ mơ những giấc mơ đối lập với giấc mơ kỳ dị của tôi. Và họ phải bảo vệ giấc mơ của họ, họ muốn giấc mơ của họ là đúng, là nhất. Tôi chẳng lấy thế làm giận được.

Có thể cả đời họ chưa một lần bị bóng đè, hoặc bị đè hàng nghìn lần nhưng không nhận ra. Tôi không thể bắt họ mơ giống mình và ngược lại. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không nghĩ rằng mình đã làm cho nhiều người hoảng hốt, lo sợ đến thế chỉ vì những linh cảm, giấc mơ vớ vẩn của mình.

Tôi cũng không viết “Bóng Đè” để đè chết ngôi sao nào; không cố tình hạ bệ, dìm chết tài năng nào đó. Tôi viết văn không để tranh giành ngôi vị của ai, không nhằm thoả mãn một tham vọng vĩ cuồng nào, càng không cố tình gây sốc cho ai.

Nếu ai thấy mình bị lung lay cái gì đó, nếu có trách, xin hãy trách những giấc mơ, những linh cảm bất thường của tôi. Mà những điều đó được giấu kỹ trong hố thẳm sâu tận không cùng con người tôi, chính tôi cũng không biết nó nằm nơi nao.

Làm sao trách cứ, thù hận nó bây giờ? Tôi cứ nghĩ mãi một điều. Dù rằng con người vốn có tính cạnh tranh nhau, sao không nỗ lực cạnh tranh bằng tác phẩm, sao cứ mất thời gian vào những cay cú, bác bôi?

Có người nói với tôi thế giới văn chương là thế giới ma quỷ. Tôi vẫn không tin như vậy. Tôi vẫn tin, hơn ai hết, nhà văn càng nhân hậu hơn người. Tôi vẫn mong, giấc mơ tôi dù có đầy bất thường, vẫn được hồn nhiên kể.

Bây giờ, nhiều người quên mất tên tôi. Người ta gọi “Bóng Đè” mỗi lần gặp. Những người thân tình lo lắng “Bóng Đè” đã trở thành một cái bóng khổng lồ mà tôi không thể nào vượt qua nổi, trong khi trời chỉ mới chớm trưa, trong khi đường còn dài.

Không phải họ không có lý của mình. Tôi trấn an họ rằng tôi không phải là đứa chây lười, ngủ quên trong nhung lụa hão huyền. Nhưng tôi cũng khuyến cáo họ đừng trông chờ quá nhiều vào tôi, vì tôi không phải đứa vĩ cuồng, cố làm mọi cách để hơn người.

Hãy cứ để mọi điều tự nhiên đến hay đi. Tất nhiên, tôi vẫn đọc để thâu nạp kiến thức, tôi vẫn suy ngẫm về những điều tôi nhìn thấy. Khi nào, chúng biến thành giấc mơ về với tôi vào đêm hỗn mang nào đó, tôi sẽ làm cái việc tôi cần phải làm.

Mười bốn năm trôi qua kể từ “Ông Già Hàng Xóm” đến “Bóng Đè”. Đối với tôi, đó là một quãng thời gian dài và quan trọng nhất trong cuộc đời với biết bao sóng gió. Cô bé nhà quê giã từ ông già hàng xóm, giã từ bát canh cua ngọt thơm mẹ nấu, đơn độc bước vào cuộc đời.

Tôi vốn sống khép kín. Thời học sinh, tôi rất ít nói, ít cười đùa hồn nhiên như bạn bè cùng trang lứa. Vào đại học, thời gian đầu, tôi càng im lặng hơn. Rồi sau một biến cố, tự nhiên tôi không còn im lặng. Tôi nói nhiều, tôi có vẻ điệu đàng, tôi hát hò xởi lởi.

Bạn bè ngạc nhiên trước giọng hát không tệ của tôi. Rất nhiều bạn trong ký túc xá đã đến hỏi ý kiến tôi về cách trả lời phỏng vấn khi xin việc làm thêm. Ngày chuẩn bị ra trường, tôi ngập trong bao lời nhờ viết đơn xin việc của bạn bè.

Tôi viết tất cả, mỗi công việc một giọng điệu riêng, bạn bè nghĩ tôi là ma. Không ma cũng quỷ. Ít ai biết tôi vẫn câm lặng, tôi vẫn hoàn toàn đơn độc trước cuộc sống ngày một náo nhiệt.

Tâm hồn tôi, tận cùng hố thẳm tôi, nơi cất giấu con người thật sự. Chất chứa trong đó những điều không thể gọi tên. Đến bây giờ, tôi vẫn không biết nó là gì.

Là nỗi buồn, là đau khổ, là tuyệt vọng, là hoang mang, là uẩn ức, là ma đưa đường hay quỷ dẫn lối? Tôi không biết, chẳng ai biết. Mà cũng không cần biết.

Nhưng tôi biết chắc chắn một điều, những giấc mơ khác thường của tôi ra đời từ hố thẳm ấy. Khi hố thẳm đầy tràn, nó thoát thành giấc mơ trong đêm hỗn mang. Vì nó không muốn bị bung vỡ. Nếu bung vỡ, tôi không còn sống cuộc sống bình thường mà bao người đang nhìn thấy.

“Bóng Đè”, là một trong những giấc mơ quái dị tôi ghi lại được từ căn phòng đi thuê trên phố Khâm Thiên đầy những oan hồn. Không phải cái gì ghê gớm.

Nhiều người vẫn muốn tôi giải thích rõ tại sao từ một cô bé nhà quê có thể thay đổi nhanh chóng để trở thành thiếu nữ gớm ghê dám ăn nằm cùng tổ tiên nhà chồng?

Tôi không thể giải thích rõ ràng, thực sự tôi không thể. Vì chính tôi, tôi không biết nguyên nhân. Tôi chỉ biết, mọi điều xẩy ra hết sức tự nhiên, tự nhiên ngay chính trong nhận thức, trong tình cảm, trong con người tôi.

Đôi khi, tôi cũng ngạc nhiên với chính nhân vật tôi đã tạo dựng. Đôi khi, tôi không thể nhớ đã làm ra họ bằng cách nào. Tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp, tôi chỉ viết khi cảm xúc đến, khi không thể không viết.

Tôi không có một kế hoạch cụ thể, rõ ràng cho con đường văn nghiệp. Tôi chỉ là kẻ ngoại đạo băng qua khu vườn thơ văn linh thiêng và vô tình làm rụng rơi vài chiếc lá.

Chỉ vậy mà thôi. Nhưng một nhà thơ cách đây mười ba năm đã tình cờ đọc một vài bài thơ của tôi khi tôi sinh hoạt trong nhóm thơ Hoa lạ của anh Nguyễn Vĩnh Tiến, bây giờ gặp mặt đã nhìn tôi ái ngại: “Chỉ đọc vài câu thơ của cô hồi đó anh đã nhận biết có điều gì đó khác thường. Và điều đó đã được chứng minh…”. Tôi cho rằng nhà thơ ấy đã quá nhạy cảm, và tôi cũng nhìn anh ái ngại.

Người bạn văn thân thiết của tôi đặt biệt danh cho tôi: “Diệu nhà đòn”. Anh bảo vì hầu hết truyện của tôi liên quan đến chết chóc, mồ mả, đám ma, quan tài và mang không khí bí hiểm, rờn rợn.

Nhà văn Lê Minh Hà từ Hà Nội quay về Đức đã miêu tả tôi có dáng liêu trai. Nhiều độc giả đinh ninh “Bóng Đè” là một câu chuyện ma. Và họ nghĩ chắc tôi không sợ ma, mà ma phải sợ tôi. Hiếm người biết tôi nhát gan và sợ ma đến mức nào.

Tu Ong gia hang xom den Bong de Thuc va mo
 

Tôi sợ ma ban đêm đã đành một nhẽ, tôi sợ ma cả ban ngày. Đâu đâu cũng thấy ma hiện hình. Thế mà tôi lại thích xem phim kinh dị và đọc truyện ma. Những khi nỗi sợ lên đến tột đỉnh, tôi phê như người nghiện được chích thuốc.

Càng sợ, tôi càng muốn thực hành một mình đi qua bãi tha ma trong đêm tối. Có lần, hai giờ sáng, tôi hóa trang thành một con ma để dọa người khác một phen khiếp vía.

Tôi hay về quê. Giỗ ông, giỗ bà, tết nhất, ngày nghỉ, mỗi năm không dưới năm lần. Và tất cả những người lái xe đi cùng tôi đều bất ngờ. Thế kỷ 21, giữa miền đồng bằng, trơ trơ tồn tại một con đường liên huyện kinh hoàng. Không phải ổ gà, có người lái xe đã gọi nó là ổ cá mập!

Họ bảo họ đi nhiều, biết nhiều, đường miền núi những nơi chưa khai sáng còn khả dĩ hơn. Năm cây số từ quốc lộ 1A rẽ vào, thời gian chạy sắp sửa ngang bằng Hà Nội – Ninh Bình.

Những người lạ kinh hoàng, nhưng tôi không kinh hoàng. Lên 10 tuổi đã học xa nhà, con đường ấy quá đỗi thân quen. Đã nhiều lần mưa gió, đứa học sinh nghèo gò mình trên chiếc xe đạp, khéo léo tránh những ổ trâu, ổ bò.

Đã nhiều lần đêm tối, cô gái mới lớn run sợ xách túi chạy bộ trên lởm xởm đất đá cho kịp về nhà sau khi xuống xe đò. Người dân quê tôi hình như cũng không còn kinh hoàng. Họ đã quen. Quen chịu đựng.

Trẻ con lớn lên cũng ít đứa biết lai lịch con đường. Chúng nó còn mải quan tâm đến những điều mới mẻ. Nhưng tôi biết, và tôi nhớ, và tôi kể cho những người lái xe đang vừa cố lách luồn thoát ổ voi, vừa nhăn mặt bực mình. Và tôi thấy họ chép miệng, họ lắc đầu, họ có vẻ rất buồn.

Con đường quê tôi có tên đường Chiến Lược. Kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cùng với cầu Hàm Rồng, phà Ghép trở thành địa điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch hòng chặn đường tiếp viện vào Nam.

Để tránh thương vong, người ta đã làm một con đường vòng ngang qua quê tôi, con đường Chiến Lược. Dù nhỏ nhoi, con đường ấy đã góp phần làm nên chiến thắng. Dân quân xã tôi bắn rơi máy bay Mỹ, đài báo khắp nơi vinh danh ca ngợi.

Xã tôi hai lần đón nhận danh hiệu anh hùng. Và vẫn không ai tin được giữa một miền đồng bằng có tiếng hiếu học, đã thôi nghèo đói, anh hùng bất khuất vẫn tồn tại một con đường… Thử hỏi làm sao tôi có thể quên được, làm sao tôi thôi suy nghĩ…

Ông già hàng xóm mười sáu năm trước đã đoàn tụ cùng người vợ bạc mệnh nơi chín suối. Gia đình tôi đã chuyển đến khu đất sáng sủa hơn. Gian nhà tranh xệ rách nhân vật của tôi cư ngụ cũng theo ông về tiên tổ. Chính quyền dựng lên một ngôi nhà ngói.

Tôi đã thôi cái thời ôm cặp sách vào cái bụng lép vượt qua lởm chởm đất đá trên con đường Chiến Lược về ngôi nhà trong vùng đất thấp ẩm. Xem ra đã thay đổi nhiều.

Vậy mà tôi vẫn không vui. Đều đặn, người con trai khoẻ mạnh của ông già hàng xóm năm xưa vẫn ăn xin ngoài chợ. Cỏ dại vẫn chen chúc đè nhau cạnh ngôi nhà ngói mới.

Tôi không còn viết về kiếp người con trai ăn mày của ông già hàng xóm mù năm xưa. Tôi không muốn viết. Tôi chuyển qua viết những điều quái dị. Nhiều người bảo đó là một bứt phá ngoạn mục.

Nhiều người chỉ trích tôi độc ác, thiếu lương tâm. Văn chương thì phải nhân hậu. Nhưng không ai chỉ cho tôi tường tận “Bóng Đè” không nhân hậu ở đâu. Từ hố sâu không biết gọi tên, đôi khi tôi đã hiểu một chút về mình.

Tôi hiểu mình vẫn mãi là cô bé học trò nghèo bưng bát canh cua biếu ông già mù hàng xóm. Cho dù nhà ngói mới, cho dù sau “Bóng Đè”, bóng sẽ hiện thành người.

Vài ngày nữa, tôi sẽ lên đường đi xa. Lần đầu tiên, tôi phải ăn một cái Tết xa nhà. Cuộc sống tôi bất ngờ rẽ ngoặt. Có thể rồi đêm đêm, những giấc mơ khác thường sẽ về bên tôi hoặc vĩnh viễn biến mất. Nhưng chắc chắn một điều, không một nhân vật nào thay thế được “Ông Già Hàng Xóm” của tôi.

Cuối năm 2006

Đỗ Hoàng Diệu