Một chuyên gia “săn đầu người” cho biết: “Gần hai tuần, “bộ máy săn đầu người” của Cty hoạt động không ngừng nghỉ, có ngày phỏng vấn tới 20 ứng viên nhưng chưa tìm được người đủ tiêu chuẩn.


Người giỏi tiếng Anh lại không biết tiếng Nhật, người biết cả tiếng Anh tiếng Nhật lại chưa có kinh nghiệm. Có ứng viên đủ các tiêu chuẩn lại đang mang bầu.

Nhiệm vụ bất khả thi


Quỳnh Mai, chuyên gia “săn đầu người” của công ty tuyển dụng hàng đầu, đang phải thực hiện đơn đặt hàng của một tập đoàn phân phối lớn của Mỹ xem ra rất “ngon ăn”: “Giám đốc điều hành người Việt Nam, thành thạo tiếng Anh, tiếng Nhật, độ tuổi dưới 35, có kinh nghiệm về marketing và quản trị nhân sự… Mức lương 1.500 USD, xe hơi và tài xế riêng. Sẽ được thưởng lớn nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Mai – với biệt danh “nữ thợ săn”, bắt đầu cảm thấy nhiệm vụ có vẻ bất khả thi. Tích lũy được kinh nghiệm săn đầu người với rất nhiều “chiêu thức” chẳng giống ai, Mai hình thành được khả năng đánh hơi rất thính nhưng lần này, “nữ thợ săn” lại gặp khó.

Mai bảo: “Trăm quân dễ kiếm, một tướng khó tìm, đừng tưởng tỷ lệ thất nghiệp đang tăng nhanh mà nghĩ rằng tuyển dụng một CEO dễ dàng. Chiều nay, em có hẹn với ba ứng viên ở quán café, mời nhà báo đến quan sát sẽ hiểu hơn lời em nói”.

Chiều hôm ấy, tôi theo Mai đến một quán café sang trọng, yên tĩnh. Đúng hai giờ, một  chàng trai ăn vận lịch sự xách cặp da đến như đã hẹn.

Chàng trai tự giới thiệu: “Tôi là Lương Hùng Long, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tốt nghiệp ở Anh quốc, từng làm hai năm cho một tập đoàn của Nhật ở Tokyo, dĩ nhiên là thông thạo tiếng Nhật và tiếng Anh, hiểu rõ mọi ngóc ngách của Marketing, không lạ gì “khẩu vị” dùng người của mấy ông chủ người Nhật. Tôi thấy công ty đăng thông báo tuyển dụng vị trí CEO, tôi muốn gặp chị để tìm hiểu xem mình có phù hợp không”.

Sau khi nghe Mai nói về những yêu cầu đối với vị trí CEO, mức lương cũng như các điều kiện làm việc, Long cười bảo: “Mức lương 1.500 USD cũng tạm chấp nhận được, nhưng giá của tôi là 4.000 USD.

Hôm trước, một tập đoàn phân phối của Đức mời tôi với mức lương 4.500 USD nhưng tôi từ chối vì vị trí này phải liên tục đi công tác dài ngày, mà hoàn cảnh của tôi hiện tại không cho phép vì vợ sắp sinh, mẹ lại mắc bệnh ung thư đang phải xạ trị.

Mấy ông chủ người Đức thì không thể nào viện cái lý do riêng tư ấy để xin không đi công tác được. Nói thật là tôi đang xúc tiến lập công ty riêng, làm cho nước ngoài, lương cao nhưng làm thuê như thế đủ rồi”.

Khi Long ra về, Mai chép miệng bảo tôi: “Đáng tiếc, người này rất ok, nhưng lại khó “săn” vì anh ta nếm đủ mùi làm thuê cho Tây rồi”.

Sau đó, Mai tiếp thêm hai ứng viên nữa. Một người bị loại từ “vòng gửi xe” vì vừa nói chuyện với Mai lại vừa liên tục nhắn tin cho một “thuê bao” khác.

“Đó không phải là tác phong của một CEO chuyên nghiệp”, Mai nhận định.

Người còn lại thì trễ hẹn mất 10 phút vì “bận chat với  …Warren Buffet về thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Mới nghe nói thế, Mai bảo luôn: “Anh cao siêu đến thế thì không hợp với vị trí bọn em cần”.

Mai nói nhỏ vào tai tôi: “Thể loại thùng rỗng kêu to, bán trời không văn tự kiểu này, em gặp nhiều nhất”.

Chỉ còn một tuần nữa, Mai phải “giao hàng” nhưng nhân tài vẫn như bóng chim tăm cá. “Thị trường nhân sự cấp cao ngay cả thời khủng hoảng kinh tế này vẫn giống như chiếc nón, càng lên cao càng hẹp lại, các công ty “săn đầu người” phải  “đãi cát tìm vàng” nhưng người giỏi như lá mùa thu. Nhiệm vụ của em có vẻ bất khả thi rồi”, Mai lắc đầu bảo.

Khủng hoảng kinh tế vẫn “săn đầu người”


Bà Nguyễn Tuyết, chuyên thực hiện các hợp đồng “săn đầu người” của công ty JobVietnam, cho hay, từ đầu năm, mặc dù kinh tế khủng hoảng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu “săn đầu người”, tuyển nhân sự cấp cao, tập trung vào các vị trí PR, Marketing, Sale Manager.

Bởi vì, các nhà quản lý thường cho rằng, vào đầu năm mới, tuyển Manager giỏi mới có thể góp phần đáng kể vào việc thay đổi các chính sách, chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới của Cty.

Số ứng viên nộp hồ sơ rất đông nhưng số người đáp ứng được yêu cầu lại rất ít. Những vị trí này đòi hỏi người quản lý phải vừa am hiểu chuyên môn, lại vừa có khả năng về kinh doanh và quản lý.

Nhưng ông Trần Văn Bắc – Giám đốc Mangtuyendung Việt Nam ngán ngẩm, nhận định: Tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa nên xu hướng chính vẫn là cắt giảm nhân sự. Nhưng đa số những người thất nghiệp có bằng cấp và trình độ chuyên môn thấp nên không trụ được trong cơn lốc thất nghiệp.

“Hãy tuyển dụng cho ngày mai”

Nhận định về cung và cầu nhân lực có trình độ năm 2009, bà Winnie Lam, giám đốc bộ phận Tư vấn nhân sự của Navigos Group – Vietnamwork, một tập đoàn của Mỹ đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, đánh giá:

“Chúng tôi dự đoán cầu nhân lực có trình độ vẫn còn cao và nguồn cung cũng sẽ không khác nhiều so với tình hình hiện nay, vì thực tế cung nhân lực có trình độ vẫn luôn trong tình trạng thiếu và các yếu tố kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề này”.

Theo bà Winnie Lam, việc loại bớt một số nhân lực chưa hẳn là cao cấp  vừa qua là sự điều chỉnh. Thực tế, nếu nguồn cung đạt chất lượng thì sẽ không có sự đào thải quá nhiều đến như vậy. Tổng cầu nhân lực có trình độ có thể “hạ nhiệt” khi các công ty này tái cấu trúc và tinh giản hơn.

Trước tình hình kinh tế khó, nhân công có trình độ vẫn bị cắt giảm nhiều, bà Winnie Lam có lời khuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam: “Hãy tuyển dụng cho ngày mai, chứ không phải là tuyển dụng cho mỗi hôm nay!”.