Hàng rẻ khó tốt
Một trong những chợ ảo được xem tấp nập nhất là www.5giay.vn (5 giây). Chợ này có nhiều “khu” bán hàng chuyên biệt, từ thú nuôi, sim điện thoại, xe đạp… đến các thiết bị công nghệ cao.
Riêng “khu” máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính xách tay mỗi ngày có đến vài ngàn lượt truy cập và thường xuyên có vài trăm đến cả ngàn người túc trực để săn hàng.
Nguồn hàng thiết bị số trên chợ 5 giây rất đa dạng, có thể chia thành 3 loại nguồn gốc chủ yếu: chính hãng, xách tay từ nước ngoài và hàng cũ. Riêng hàng chính hãng, khách không quan tâm nhiều vì thực chất đây là hàng do các tên tuổi lớn trong nước như FPT, Thế Giới Di Động… phân phối, giá cao ngất ngưởng.
Một số nhân viên của các công ty này thông qua chợ ảo để tiếp thị thương hiệu, sản phẩm là chính. Với 2 loại hàng trôi nổi, Sơn ở quận Bình Thạnh, TPHCM – dân mua bán qua mạng dạn dày kinh nghiệm, cho biết loại mới nguyên thùng xách tay có công nghệ không dây 3G phần lớn là hàng của một nhà mạng nào đó ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu đặt sản xuất cho riêng họ.
Mua loại này giá tuy thấp hơn của các trung tâm điện máy, nhưng phải chú ý hàng thuộc phiên bản quốc tế hay nội địa. Nếu phiên bản quốc tế sẽ sử dụng được nhiều mạng di động tại Việt Nam, phiên bản khác phải đem đi mở mạng (unlock), khá phiền phức và dĩ nhiên cũng tốn thêm tiền.
Tuy nhiên, giá máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại công nghệ 3G phiên bản quốc tế không rẻ hơn giá hàng chính hãng bao nhiêu, trong khi lại không được bảo hành. Vì vậy, nhiều người chọn mua hàng nội địa để có giá rẻ hơn vài triệu đồng, nhưng có một số thiết bị đến nay vẫn chưa có cách unlock tại Việt Nam.
Với hàng đã qua sử dụng, giá tuy rẻ hơn, đôi khi chỉ bằng một nửa so với hàng mới, nhưng rủi ro khá lớn. Dũng (quận 3, TPHCM), một người bán hàng chuyên nghiệp qua chợ 5 giây, chia sẻ: “Hên xui anh ơi. Chuyên nghiệp như tụi em, cẩn thận “test” đủ kiểu trước khi mua, nhưng đôi khi chưa kịp bán lại phát hiện máy bị lỗi không sửa được, đành bán đồ món gỡ lại chút vốn”.
Theo Dũng, đó là chưa kể thấy hàng mới, giá mềm tưởng bở, mua về rồi mới hay hàng có nguồn gốc trộm cắp. Gần đây, một số người đã đăng tin nhờ thành viên chợ 5 giây truy tìm đồ mất trộm.
Lắm “Lý Thông”
Tín, ở Trường đại học Bình Dương, kể: “Thấy một cửa hàng đăng bán chiếc máy tính xách tay Acer đời cũ giá 3,2 triệu đồng, rất hợp với túi tiền sinh viên tụi em. Sau khi gọi điện thoại trả giá và thỏa thuận 2,9 triệu đồng, em chạy từ Bình Dương xuống TPHCM để mua.
Khi tới nơi, chủ cửa hàng nói màn hình máy đó hư, rồi gợi ý một chiếc Toshiba lỗi nhẹ màn hình giá 2,8 triệu đồng và bao test 3 ngày. Đã lỡ chạy từ Bình Dương xuống, em đành mua chiếc máy này. Về đến nhà mở lên chạy được 30 phút máy tắt ngủm. Sáng hôm sau mang lên cửa hàng định trả máy, chủ cửa hàng không chịu thực hiện lời hứa bao sử dụng 3 ngày và cho biết nếu lấy lại tiền thì chỉ trả lại 1,5 triệu đồng”.
Website mua bán 5 giây.
Trên chợ 5 giây hiện nay, không riêng các “khu” buôn bán máy móc, thiết bị công nghệ cao, mà khách hàng nhiều “khu” chợ khác cũng bị “thuốc” cháy túi. Ở “khu” nào cũng có nạn nhân của những mánh lới buôn gian bán lận và họ đăng tin để cảnh báo cho các thành viên khác.
Theo dân buôn bán hàng chợ 5 giây, hiện nay ở TPHCM có nhiều người làm nghề “độ” thiết bị kỹ thuật số, đặc biệt máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động. Một chiếc máy cũ mèm, nhưng qua bàn tay phù phép của các “thợ độ”, người bình thường khó nhận ra đó không phải hàng mới.
Các “thợ độ” không chỉ thay, sửa phần cứng bên trong, mà còn sơn tĩnh điện khiến hàng trông như vừa xuất xưởng. Nhưng cánh mua bán ngán nhất là máy tính xách tay được “cứu” chíp đồ họa. Thông thường, sau khi đóng chíp xong, máy chạy ổn định trong khoảng 1 tháng, sau đó sẽ “chết bất ngờ”, mà chíp đồ họa lại nằm bên trong máy nên khó lòng phát hiện đã từng “chết đi sống lại” hay chưa.
Nói về kinh nghiệm mua máy trên chợ 5 giây, Dũng cho biết thêm có nhiều khách hàng khó tính, mua máy đã qua sử dụng nhưng đòi hỏi phải “full box” (còn đủ hộp), số IMEI in trên hộp và trong máy phải trùng nhau để đảm bảo hàng “zin”.
Nắm bắt tâm lý này, vài kẻ làm ăn gian dối đã tổ chức in (kéo lụa) hộp máy các loại theo yêu cầu của một số người buôn gian bán lận. Mỗi chiếc hộp được bán với giá từ 180.000-200.000 đồng, tùy theo loại hàng gì và có hút hàng hay không.
Gần đây, dịch vụ cung cấp hộp cho người bán máy đã xuất hiện công khai trên chợ 5 giây với cái tên gây chú ý: “Dịch vụ bán hàng có một không hai”. Chủ “gian hàng” này còn đăng cả số điện thoại và quảng bá “nhận giao hàng số lượng lớn”.
Vậy mà chẳng có cơ quan chức năng nào để mắt tới cho chợ ảo “sạch” hơn, đỡ khổ khách hàng trong đời thực. “Đúng là trên chợ ảo, Thạch Sanh rất nhiều nhưng Lý Thông cũng không ít. Đó chính là những kẻ góp phần gây cản trở sự phát triển của chợ trực tuyến, làm mọi người mất lòng tin” – Dũng đúc kết.
Nhưng dù sao, đi chợ 5 giây vẫn là một thú vui đối với nhiều người. Thú vui đó thể hiện qua việc luôn được cập nhật thông tin mặt hàng mới có trên thị trường trong nước mà không phải vất vả chạy khắp các trung tâm điện máy xem hàng. Hơn nữa, người có nhu cầu thực sự có thể mua được thứ mình cần với giá rẻ nếu có kinh nghiệm và luôn cảnh giác.