NTS – Ở lớp đầu tiên của cấp một, tôi đã tình nguyện dạy đọc những tiếng ê a cho lớp học của cậu bé Ronny. Thoáng nhìn, cậu bé ấy giống như mọi đứa trẻ khác, tóc bồng bềnh, giầy mòn đế, có một ít cáu bẩn ở phía tai, một ít mẫu bánh còn tèm lem quanh miệng.
Nói một cách rõ hơn, thì chính mặt mày tèm lem, cái mũi có vẻ bướng bỉnh và những ngón tay đầy đất bẩn của em đã cho tôi biết em đến trường theo cái cách tự nhiên như vậy mà không được chăm chút.

Quần áo của em thì rách rưới và không đồng bộ, đôi giầy vải thì buộc dây, còn cái cặp đi học đơn giản chỉ là một cái túi nhựa để đi chợ.

Với vẻ ngoại hình bên ngoài như thế, Ronny đứng lẻ loi tách biệt với các bạn cùng lớp. Do bị tật nói lắp vì thế em không thể học đọc và viết đúng tuổi. Em phải học trễ một năm, và 8 tuổi mới vào lớp một. Cuộc sống gia đình của em rất xáo trộn. Em chưa sống ở gia đình nào quá một năm. Em chỉ ở khoảng vài tháng với những bậc cha mẹ nào thích em!

Ronny có một gương mặt rất sáng sủa và thông minh mà tôi chưa từng thấy ở một đứa trẻ nào, điều này làm cho tôi nhanh chóng nhận ra rằng có một nét tương phản với vẻ ngoài lôi thôi của em.
Từng bước một, tôi đã dạy cho tất cả các học sinh trong lớp của Ronny sao cho chúng có thể đọc tốt.

Mỗi ngày khi tôi đến lớp, tôi đi đâu thì cái đầu và cặp mắt của Ronny đều hướng theo đến đó. Khi tôi đứng lại một góc thì em nài nỉ: “Gọi con đi! Gọi con đi!”, dĩ nhiên là tôi không thể gọi em đọc mỗi ngày được vì những đứa bé khác cũng cần tôi giúp đỡ.

Rồi một hôm, đến lượt của Ronny, sau khi nhận được sự gật đầu ra hiệu của tôi, trong chớp mắt em đã nhảy lên và như bay ra khỏi chỗ ngồi. Em ngồi thật gần tôi và tôi phải thừa nhận rằng em ngồi sát vào tôi và mở sách ra. Chúng tôi đã cùng đọc và nét mặt của em hiện lên với vẻ như em đang khai quật được một kho báu mà em chưa bao giờ thấy được trên thế giới.

Tôi nhìn theo những ngón tay còn bẩn bụi bánh của em di chuyển chậm chạp dưới những mẫu tự khi em đang cố gắng để phát ra những âm “Bud the Sub”. Khi đọc em bị vướng những âm như: “Baw Daw Saw” vì do tật nói lắp của em.

Mỗi một từ đọc lên là một thử thách và chiến thắng vì em phải quyết tâm để đọc được; Ronny đã chịu khó đọc lớn lên mỗi từ, sau đó cố tập hợp những từ có cùng một âm điệu như nhau. Gương mặt của em tràn ngập nụ cười toe toét khi em đọc lên những từ “Bah – lah” hoặc “bow” mà không cần phải cố gắng, đôi mắt của em lấp lánh niềm vui và tràn ngập sự hãnh diện.

Em đã làm cho tôi xúc động khi mỗi lần đọc được như thế, tôi chỉ muốn kéo em ra khỏi cuộc đời tội nghiệp của em, mang em về nhà để chăm chút và yêu thương.

Nhiều đêm, sau khi các con tôi đã ngủ yên, tôi ngồi lặng lẽ và nghĩ về Ronny. Cậu bé đang ở đâu? Em có được an toàn không? Em có đang cuộn mình trong chăn để đọc sách dưới ánh đèn không? Thậm chí không biết là em có chăn không nữa?

Một năm trôi qua thật nhanh, Ronny đã có một ít tiến bộ nhưng em vẫn không đủ khả năng để được lên lớp. Chỉ có em là không biết điều đó. Hơn nữa em còn nghĩ là em đã đọc tốt rồi.
Vài tuần trước khi năm học kết thúc, tôi đã tổ chức một buổi phát thưởng với bánh, quà và phát những giấy chứng nhận cho những em đạt thành tích cao như: Phát âm giỏi nhất, Đọc lớn nhất, Diễn cảm nhất và Đọc nhanh nhất.

Phải mất một lúc tôi mới nghĩ ra là phải xếp Ronny vào giải nào; tôi cần một giải không lớn lắm nhưng phải có tính tích cực. Tôi nghĩ rằng phải trao cho em một giải khi đọc lên nghe phải có ý nghĩa. Khá lâu sau, cuối cùng tôi đã quyết định trao giải “Người đọc có cố gắng nhất” cho em.

Tôi trao cho Ronny giấy chứng nhận và một quyển sách, mỗi quyển sách quý báu nhỏ bé này có giá 49 xu, đó là giá ở quầy tính tiền của tiệm tạp hóa. Những giọt nước mắt lăn xuống gò má làm trôi đi những vết bẩn luôn có ở trên gương mặt em khi em ôm chặt quyển sách vào ngực và vội vã quay trở về chỗ ngồi. Tôi cảm thấy nghẹt thở như có một vật gì đó đang chặn ngang cổ họng tôi.

Tôi đã ở lại lớp hầu như suốt ngày hôm đó; Ronny không bao giờ rời quyển sách của em một lần nào cả. Quyển sách chưa bao giờ rời khỏi tay em.

Vài ngày sau, tôi trở lại thăm trường. Tôi đã thấy Ronny nơi băng ghế gần sân chơi, quyển sách mở ra trong lòng em. Tôi có thể thấy môi của em mấp máy khi em đọc một mình.

Thầy giáo của em đến bên cạnh tôi và nói: “Ronny chưa bao giờ rời khỏi quyển sách kể từ khi cô trao cho nó. Lúc nào nó cũng để quyển sách bên mình – thật gần với trái tim của nó như cái áo nó đang mặc. Không biết đó có phải là quyển sách đầu tiên mà nó được làm chủ hay không?”.

Cố kìm những giọt nước mắt, tôi tiến đến gần Ronny, nhìn qua vai em tôi thấy những ngón tay đầy đất bẩn di chuyển chầm chậm qua trang giấy. Tôi đặt tay lên vai em và hỏi: “Con sẽ đọc cho cô nghe chứ, Ronny?”. Em nhìn lên và bị chói mắt bởi tia nắng mặt trời, em nhích qua một bên nhường chỗ cho tôi.

Sau vài phút, em bắt đầu đọc cho tôi nghe với một chất giọng diễn cảm, rõ ràng và dễ dàng hơn mà tôi chưa bao giờ nghĩ là em làm được. Những trang giấy của quyển sách đã bị quăng góc như thể đã đọc hàng ngàn lần vậy.

Khi đọc xong, Ronny xếp sách lại, vuốt cho thẳng với bàn tay đầy đất bẩn và đã thốt lên với giọng thỏa mãn: “Quyển sách thật hay”.

Một niềm tự hào thầm kín lắng đọng trong chúng tôi khi chúng tôi ngồi tại dải băng ghế ở sân chơi. Tay Ronny bây giờ đã ở trong tay tôi. Đứa bé bên cạnh đã làm tôi kinh ngạc và không kìm được nước mắt. Tác giả của Little Golden Book đã có một phần đóng góp mạnh mẽ – đã làm nên cuộc đời của một đứa trẻ có khuyết tật về giọng nói.

Vào lúc đó, tôi biết rằng tôi phải làm nên được điều mà tác giả đã làm, có nghĩa là tôi phải nghiêm túc hơn đối với nghề viết của mình, đó là viết một cốt truyện đã làm đổi thay cuộc đời của một đứa trẻ – một sự thay đổi hoàn toàn.

Tôi nỗ lực để trở thành một người tác giả như vậy.