(GD&TĐ) – Các nhà khoa học Nhật Bản vừa tìm ra giải pháp “nhòm” vào giấc mơ. Nhóm nhân viên Viện Khoa học và Công nghệ Nara tuyên bố họ có khả năng hé lộ tiềm thức con người và xác định nội dung giấc mộng. Mục tiêu tiếp theo của nhóm nghiên cứu là ghi hình giấc chiêm bao của con người.

Xây dựng “từ điển giấc mơ”

Giấc mơ là một trong những lĩnh vực ít được nghiên cứu nhất của hoạt động não bộ. Các nhà khoa học Nhật Bản cố gắng thúc đẩy việc tìm hiểu lĩnh vực này.

Các nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm của giáo sư Yukiyasu Kamitani, thuộc Viện quốc tế nghiên cứu về công nghệ truyền thông tân tiến (ATR), có trụ sở tại Kyoto, Nhật Bản nhận định: Kể từ lâu, con người đã quan tâm đến các giấc mơ và đến ý nghĩa của chúng, nhưng mãi cho đến gần đây, chỉ có người nằm mơ mới biết được nội dung của giấc mơ”, chứ không phải những người quan sát bên ngoài.

Để đi xa hơn trong việc hiểu được các giấc mơ về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chế tạo ra một phương tiện để giúp cho việc giải mã các hình ảnh, mà một người ghi nhận được trong giấc chiêm bao.

kiến thức in ấn | xưởng in offset giá rẻ | in trên vải | in trên áo mưa | in bao bì
Giấc mơ là một trong những lĩnh vực ít được nghiên cứu nhất của hoạt động não bộ

Giáo sư Yukiyasu Kamitani giải thích: “Kinh nghiệm thị giác đặc thù trong giấc ngủ được thể hiện qua các hoạt động của thần kinh não bộ. Chính điều này mang lại một phương tiện để hiểu được nội dung của giấc mơ: Đó là thông qua việc đo lường các hoạt động thần kinh”.

Họ đã mời 3 người đàn ông tình nguyện tham gia thí nghiệm. Khi ngủ, những người này được kết nối với máy tính giám sát hoạt động não.

Vào thời điểm gọi là “giấc ngủ nhanh” (REM), khi đồng tử dưới mi mắt tích cực di chuyển và ghi nhận các quá trình sôi động của não bộ, những người tham gia thử nghiệm được đánh thức và yêu cầu kể lại hình ảnh họ thấy trong mơ. Trung bình mỗi người bị đánh thức tới 200 lần. Tiếp đến, các nhà nghiên cứu so sánh câu chuyện được kể với sự phân bố và năng động tính của não.

Kết quả của công việc này là các nhà nghiên cứu đã xây dựng được một bộ “từ điển” bao gồm một bên là các dấu hiệu não đồ và bên kia là hình ảnh tương ứng. Các hình ảnh đó có thể bao gồm nhiều loại: Thức ăn, sách vở, người, đồ vật, xe cộ…

Sau khi cơ sở dữ liệu này đã hình thành và được bổ sung thêm một số thông tin khác, thì các nhà khoa học có thể bắt đầu công việc giải mã giấc mơ. Kết quả cho thấy, khoảng 60-70% các trường hợp được giải mã thông qua phương pháp này là chính xác.

Nhìn nhận của giới chuyên gia

Một số chuyên gia tâm lý học nhận định rằng, phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản có cơ hội ứng dụng thực tế lớn lao. Đây là nghiên cứu “giấc ngủ nhanh” từ quan điểm các quá trình diễn ra bên trong giấc ngủ. Mở ra triển vọng thâm nhập sâu hơn vào thế giới xúc cảm chủ quan trong các trường hợp rối loạn như tự kỷ, tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm nội sinh.

Có giả thuyết cho rằng khi con người u sầu những tình tiết nhạy cảm của giấc mơ sẽ diễn ra trong trí óc. Khi đó “giấc ngủ nhanh” diễn ra căng thẳng, có ác mộng, bệnh nhân trầm cảm thức dậy với cảm giác mệt mỏi, chán nản. Chương trình sẽ giúp các bác sĩ phát hiện triệu chứng. Ngoài ra, một khả năng nữa của việc nghiên cứu là mã hóa phát sóng các liên lạc thần giao cách cảm mà dường như cho đến này vẫn là chuyện viển vông.

Mục tiêu tiếp theo của các nhà khoa học Nhật Bản cũng đầy viễn tưởng. Họ sẽ tìm cách giải mã mộng mị trong các giai đoạn khác của giấc ngủ, tạo thiết bị chuyển tải hình ảnh tiềm thức lên màn hình.

Ông Roman Buzunov, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ điều trị giấc ngủ của Nga nhận xét rằng kết quả việc dựng lại hình ảnh, âm thanh, các nhân vật và cảnh trí trong giấc mơ có triển vọng cung cấp cả video.

Nghiên cứu kể trên mang lại một kinh nghiệm quý giá, giúp cho việc phân tích đời sống tâm lý của một cá nhân, hiểu được các bệnh tâm lý hoặc thậm chí đi đến chỗ dùng chính ý nghĩ để điều khiển một số loại máy móc.

Ông nói: “Tôi nghĩ người đầu tiên ghi được giấc mộng trên ổ đĩa hay USB-flash ngay lập tức sẽ nhận giải thưởng Nobel. Tất nhiên trừ khi, cơ quan an ninh không bí mật hóa thành tựu này. Thâm nhập giấc mơ của người khác là điều rất lợi hại. Hơn thế các giấc mộng về tình dục không phải chuyện hiếm. Việc tiết lộ nội dung có thể gây những rắc rối lớn.”

Tất nhiên đó là điều còn rất xa vời. Đại diện các ngành khoa học cơ bản nhận định rằng nhóm học giả Nhật Bản đã phóng đại mức độ phát minh của họ. Động thái là nhằm thu hút sự chú ý đến nghiên cứu và gọi vốn đầu tư tiếp cho hoạt động. Theo các nhà phân tích, tuy các số liệu đã thực hiện nghiên cứu tính tích cực các khu vực não bộ khác nhau trong giấc ngủ. Tiếp đến, dựa trên dữ liệu thống kê chỉ ra những phần lớn trùng lặp ở đối tượng thí nghiệm. Chẳng hạn, hoạt động của một phần vỏ não đi kèm sự xuất hiện của các nhân vật cụ thể trong mơ, ví dụ người mẹ. Chỉ có vậy. Còn quá sớm để nói rằng có thể chuyển nội dung giấc mơ thành hình ảnh.

Vậy chúng ta có thể tiếp tục ngủ yên mỗi ngày, bởi hiện chưa có ai thâm nhập được giấc mộng đêm và gỡ tấm màn huyền bí của thế giới tiềm thức.

Mơ giúp học tập tốt hơn!

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện thấy hiện tượng chợp mắt ngủ một chút trong khi học có tác dụng tốt hơn nếu người học mơ thấy những gì mình đang cố gắng ghi nhớ.

Từ lâu nhiều người đã tin rằng những người ngủ sau khi hoàn thành bài tập sẽ thực hành tốt hơn sau khi tỉnh dậy so với những người không ngủ. Mặc dù vậy, đối với nhiều sinh viên đại học, học suốt cả đêm là một phần quan trọng để chuẩn bị cho một mùa thi. “Học gạo và cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu có lẽ tốt hơn là không học gì cả. Mặt khác, học và ngủ tốt cũng có lợi hơn cho việc nắm bắt kiến thức”, ông Drew Dawson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ thuộc Đại học Nam Úc, cho biết.

Ông Dawson đã từng đánh giá một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Harvard thực hiện. “Điều thú vị trong công trình nghiên cứu này là những người mơ về công việc trên thực tế thực hiện công việc tốt hơn những người không mơ về công việc, thậm chí tốt hơn cả những người không ngủ”, ông Dawson cho biết.

Để kiểm nghiệm giả thuyết này, các nhà khoa học đã hướng dẫn những người tham gia cuộc nghiên cứu cách định vị một hình nhất định trong một ma trận do máy tính lập ra. Các nhà nghiên cứu yêu cầu một nhóm người ngủ một giấc ngủ ngắn trước khi lặp lại bài tập trên. Nhóm thứ hai không ngủ. Nhóm thứ ba được phép ngủ nhưng họ được đánh thức thường xuyên để kiểm tra xem họ có mơ không.

Ông Dawson cho biết cuộc nghiên cứu trên có khá nhiều ý nghĩa, đặc biệt đối với những người ngủ không đủ thời gian cần thiết. Ông cho rằng nhằm mục đích nâng khả năng nhớ lên mức đối đa có thể con người sẽ tiến tới giai đoạn phát triển chương trình học tập kết hợp với những giờ giải lao dành để ngủ: “Khi các nhân viên cao cấp ngủ một giấc ngủ ngắn, đây được gọi là giấc ngủ quyền lực. Như vậy, tôi cho rằng câu trả lời là đúng. Tuy nhiên, có rất nhiều thành kiến văn hóa chê trách những người ngủ trong thời gian làm việc. Không phải lúc nào việc ngủ cũng được lý giải theo hướng tích cực. Tuy nhiên, dù bạn ngủ ban ngày hay ban đêm, tôi cho rằng nếu bạn ngủ ít hơn thời gian cần thiết, bạn sẽ phải đối mặt với những hậu quả của nó.”

Còn Tiến sĩ Colin Sullivan, Giáo sư Y học tại Đại học Sydney nêu quan điểm: Hiện đã có bằng chứng rõ ràng về việc giấc ngủ có vai trò quan trọng không chỉ trong học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng và quá trình sáng tạo của con người. Theo Giáo sư Sullivan, việc đề nghị mọi người đi ngủ sớm có lẽ là chìa khóa để nâng cao khả năng sáng tạo và sức sản xuất cho một quốc gia.