Giấc mơ có thể là những hình ảnh tưởng trong tiềm thức của con người. Đây là kho tàng chứa đựng những thông tin thần bí mà con người chưa nhận thức, chưa khám phá được.
Để có thể nhớ lâu và hiểu được những hình ảnh đó, cách tốt nhất là bạn nên ghi nhật ký giấc mơ. Việc này sẽ giúp bạn có được dữ liệu để phân tích, hiểu được thế giới của những giấc mơ cũng như một số sự kiện ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Những hình ảnh trong tiềm thức sẽ trở nên quen thuộc hơn, đó cũng là cơ sở để bạn nhận ra và hiểu được những biểu tượng của riêng mình.
Nhật ký giấc mơ giúp bạn khám phá thế giới nội tâm đầy bí ẩn |
Hãy mua một quyển vở, một cây bút để và luôn đặt chúng ở cạnh gường của bạn để bất kỳ lúc nào tỉnh dậy cũng có thể ghi lại ký giấc mơ. Để một chiếc đèn ở cạnh giường cũng giúp ích cho bạn rất nhiều.
Ngay khi vừa tỉnh giấc, hãy nhắm mắt trong vài giây và cố gắng tái hiện giấc mơ bằng việc liên kết các hình ảnh mà bạn còn nhớ được. Nếu không thể hồi tưởng được bất cứ hình ảnh nào, hãy cố gắng nhớ xem các trạng thái cảm xúc của bạn như thế nào. Hãy nhớ rằng giấc mơ là một chuỗi các hình ảnh, vì thế việc nhớ lại một trong số chúng là rất quan trọng để ghi nhật ký và giải mã giấc mơ của bạn.
Bạn có thể dùng mặt giấy phía bên tay trái của quyển vở để ghi lại giấc mơ, còn mặt giấy phía bên phải để dùng ghi lại những lưu ý và những bình luận của bạn sau đó. Bạn cần phải viết nhật ký giấc mơ trước khi bạn làm bất kỳ việc gì trong buổi sáng. Bất cứ một hoạt động nào như đánh răng hay pha một tách trà… điều khiến bạn mất tập trung và làm tan biến những hồi tưởng về giấc mơ của mình. Cố gắng ghi lại càng chi tiết càng tốt, kể cả những phần không có vẻ không liên quan gì hoặc không có ý nghĩa gì đối với bạn. Hãy cố gắng biến việc này thành một thói quen thường nhật.
Khi bộ khung xương, bố cục chung của giấc mơ được dựng lên, bạn có thể làm cho chúng trở nên có da có thịt. Có một cách thức để tiến hành là xem xét các giấc mơ theo đề mục. Chẳng hạn, bạn có thể phân tích các giấc mơ theo các đề mục dưới đây:
– Tầm quan trọng: Giữa giấc mơ, hiện tại và quá khứ có mối liên hệ nào không?
– Chủ đề: Giấc mơ đó có một chủ đề chính xuyên suốt hay không? Bạn có đang bỏ chạy hay không? Nó có phải là giấc mơ lặp đi lặp lại hay không?
– Khung cảnh: Giấc mơ diễn ra ở đâu, trong hoàn cảnh như thế nào?
– Con người: Có những ai xuất hiện trong giấc mơ của bạn.
– Cảm xúc: Ghi lại bất cứ cảm xúc nào bạn đã có trong giấc mơ. Bạn tức giận, hoảng sợ hay nản chí?
– Biểu tượng: Có bất cứ sự vật nào nổi bật hay không, như một con chim, một cái cây hoặc một đoàn tàu chẳng hạn.
– Từ và cụm từ: Có bất cứ từ nào hay cụm từ nào trong giấc mơ đột nhiên hiện ra hoặc có ý nghĩa đặc biệt không?
– Các lưu ý khác: Có thấy màu sắc nào đặc biệt, thời gian trong ngày hoặc trong mùa quan trọng trong giấc mơ của bạn?
Khi có trong tay các dữ liệu, bạn nên tiến hành phân tích và lý giải các biểu tượng xuất hiện trong giấc mơ. Đó là cách thức giúp bạn hiểu được thế giới nội tâm phong phú, sâu sắc và cũng rất đặc biệt của mình.
(Theo Tự đoán định tương lai)