Marketing hiện đại chú trọng vào việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng bằng cách tìm hiểu tập trung vào thị trường và khách hàng. Chuyển đổi từ quan điểm theo đuổi việc bán hàng sang quan điểm tạo ra khách hàng. Trước tiên phải quan tâm đến các nhu cầu của các khách hàng tiềm năng sau đó mới đi vào sản xuất ra sản phẩm hàng hóa hoặc tạo ra dịch vụ.
Khi nhắc đến Marketing người ta thường nghĩ đến 4P, tuy nhiên việc ngày càng phát triển thì người ta càng chú trọng đến vai trò của khách hàng hơn. 4P ngày nay được gắn liền với một chữ C (Customer) để đề cao vai trò “khách hàng” hơn, lấy khách hàng làm trọng tâm để doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu chiến lược cho công ty.
Chữ P đầu tiên (Product) là sản phẩm của doanh nghiệp có thể gồm những thứ hữu hình có thể sờ mó được đến vô hình như là dịch vụ, ta chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Ngày nay được gắn bằng Customer Slutions (giải pháp cho khách hàng), thể hiện doanh nghiệp không nên tập trung quá vào việc sản xuất sản phẩm gì mà nên tập trung vào việc sản phẩm đó giúp ích gì cho khách hàng. Muốn làm được tốt chữ C này, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu xem nhu cầu của khách hàng cần là gì để từ đó tìm ra giải pháp cho phù hợp.
Chữ P2 (Price) thường được doanh nghiệp hiểu là phải làm sao cho giá sản phẩm càng thấp càng tốt, như thế sẽ bán được hàng. Tuy nhiên, P2 được gắn với C2 (Customer Cost) là giá mà khách hàng có thể bỏ bao nhiêu để mua sản phẩm của mình, việc bỏ chi phí này khách hàng có cảm thấy tương xứng với lợi ích mà sản phẩm mang lại không. Giá sản phẩm có thể cao nhưng nếu giá trị lợi ích mà mang sản phẩm mang lại cho khách hàng hài lòng, thỏa mãn thì họ vẫn sẵn sàng bỏ ra mà không cần đắn đo.
Chữ P3 (Place) là cách thức mà doanh nghiệp phân phối hệ thống sản phẩm của công ty mình xem nơi nào là phù hợp, mình sẽ bán sản phẩm ở đâu. P3 gắn với C3 (Convenience) là sự thuận tiện cho khách hàng, khách hàng có thể mua sản phẩm của ta ở mọi lúc mọi nơi. Doanh nghiệp ưu tiên sự tiện lợi cho khách hàng giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí hơn.
P4 (Promotion) là sự khuyến mãi bao gồm cả quảng cáo, bán giá khuyến khích…để mọi người chú ý và biết đến sản phẩm của ta hơn nữa. C4 (Communication) là sự giao tiếp hai chiều giữa khách hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng khách hàng và giúp khách hàng giải quyết thông qua sản phẩm của mình. Một chiến lược truyền thông có hiệu quả phải có sự tương tác với khách hàng, phải có sự phản hồi từ phía khách hàng xem sự phản hồi ấy là tích cực hay không chứ không phải doanh nghiệp càng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi là doanh nghiệp đó hoạt động tốt mà không cần xem sản phẩm mình được tiêu thụ đến đâu.
Truyền thông giao tiếp hai chiều được các công ty chuyên nghiệp thực hiện thông qua việc lắng nghe phản hồi của khách hàng, phản ứng của khách hàng, và đo lường kết quả của các chương trình truyền thông để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả thì cần lấy “khách hàng” làm trọng tâm, là mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới. Chắc chắn sẽ còn nhiều chữ C hơn nữa để thể hiện “khách hàng” là mục tiêu của doanh nghiệp, thể hiện quan điểm xuyên suốt là “hướng về khách hàng”.