Trong một cuộc trò chuyện về văn hóa quản trị nhân sự của các doanh nghiệp lớn tại VN, trong đó có một công ty cà phê nổi tiếng, một cô gái, bây giờ là nhân viên tổ chức sự kiện, cười khẩy trước những bình luận của những người ngoài cuộc và khẳng định: "Tôi nè, người trong ruột ra nề. Tôi làm ở đó đến 2 tuần là phải bỏ của chạy lấy người. Ngay ngày đầu tiên bước vô công ty, người ta phát cho tôi 2 cuốn lịch sử Đảng, yêu cầu tôi đọc rồi gởi bài thu hoạch. Tôi đi làm chứ có phải đi học đâu mà bắt đọc với chẳng viết. Và còn nhiều chuyện kỳ lạ nữa…". Cô này liên tục khẳng định công ty ấy chỉ còn cái vỏ bề ngoài, chứ còn bên trong thì "mục nát" cả rồi.
Một người khác, vốn cũng là trưởng phòng tiếp thị của một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM, tham gia câu chuyện bằng cách kể về sự độc tài của ông chủ công ty cũ và thói keo kiệt của bà vợ ông. Theo đó thì công ty này chỉ có thể tuyển và giữ được những người dở để trả mức lương thấp, chứ không thể giữ được người giỏi – như anh – nên đừng mong phát triển xa như cách ống chủ thường lên báo, đài tuyên bố này nọ…
Những câu chuyện như thế này không hiếm. Nếu có làm thống kê, chắc chắn sẽ thấy tỷ lệ người không hài lòng với tổ chức mình đang làm việc sẽ cao hơn người hài lòng. Còn số người "nói xấu" công ty cũ, chủ cũ, chắc chắn áp đảo những người còn giữ ấn tượng tốt. Đây là điều rất bất lợi cho doanh nghiệp bởi người ngoài thường tin những gì "người trong ruột" đi ra nói. Rất khó minh định rõ ràng kết quả này lỗi thuộc về doanh nghiệp hay những nhân viên ưa nói xấu, ưa bất mãn, nhưng trước hết, hãy nhìn về phía doanh nghiệp!
Môi trường ức chế
Nhận xét chung của các chuyên gia tư vấn xây dựng nguồn nhân lực doanh nghiệp là tỷ lệ nhân viên bất mãn trong các công ty VN thường rất đông. Đây là hệ quả tất yếu bởi hầu hết công ty này chưa có một hệ thống tổ chức, quản trị nhân sự khoa học, rõ ràng. Do đó, người lao động thường chỉ bước vào công ty làm việc mà không thực sự hiểu rõ hành lang nhiệm vụ và quyền lợi của mình. Chính điều đó dẫn đến nhiều vướng mắc như sao làm nhiều mà lương ít, thấy không công bằng giữa người này với người kia, thấy mình bị o ép, thấy quá xa "mặt trời", ít khi được ban giám đốc ngó ngàng đến thành quả sáng tạo… Do không thấy hết hành lang trách nhiệm và quyền lợi không có quy định rõ ràng trên hợp đồng lao động giữa hai bên nên theo logic tâm lý, người lao động luôn thấy mình bị thiệt thòi, chèn ép nhiều hơn…
Từ những lý do đó, không thể mong đợi các nhân viên này thể hiện vai trò sứ giả của công ty và thương hiệu khi tiếp xúc với người ngoài. Ngược lại, họ còn trở thành người loan truyền những câu chuyện nội bộ dưới quan điểm chủ quan và tâm trạng bất mãn của mình. Mặt khác, các công ty VN thường rất kiệm lời trong đối thoại với nhân viên, ngay cả về các chính sách công ty cần triển khai đến thành phần này. Ví dụ như công ty cà phê trên, khi đưa 2 cuốn sách và buộc nhân viên mới đọc rồi viết bài thu hoạch, họ đã không hề giải thích vì sao họ cần nhân viên phải đọc, phải làm như thế. Kết quả là nhân viên cảm nhận đó là hành động kỳ cục, đánh đố, thách thức mình nên nghỉ "cho khuất mắt" sẽ tốt hơn. Hai tuần làm việc chưa đủ "thấm" hết văn hóa của công ty, chỉ bị ảm ảnh bởi chuyện đọc sách, viết bài thu hoạch và những yêu cầu cô cho là kỳ cục thì trách gì nhân viên này chỉ mang ra khỏi công ty những ấn tượng nặng nề?
Người lao động tại VN cũng thường bị nhận xét rằng chỉ làm việc trên quan điểm thực dụng và tư duy làm công ăn lương, chứ không làm việc bằng đam mê và tư duy xây dựng sự nghiệp. Khi bước vào môi trường làm việc mà doanh nghiệp không đủ sức đánh thức những đam mê, khát vọng và tính nhân bản trong nhân viên của mình, thì hai thái cực tiêu cực của nhân viên và doanh nghiệp sẽ mâu thuẫn, va đụng nhau. Bất mãn, nói xấu, phê phán sẽ diễn ra và khó có thể tìm thấy ở đây những khái niệm như "giữ lửa", đoàn kết, thấu hiểu…
Về phía người lao động, đó là một câu chuyện khác. Còn về phía doanh nghiệp, đã nhiều lần được cảnh báo phải thay đổi trình độ và cách thức quản lý nhân sự nếu không muốn tiếp tục sở hữu một lực lượng nhân viên mà trong đó, có nhiều người dễ dàng quay "giáo" vê phía mình bằng những câu chuyện tiêu cực từ "trong ruột đi ra".