Bạn hãy thử đặt mình ở vị trí là người lãnh đạo cao nhất của một Công ty và phải ra những quyết định kinh doanh mạo hiểm. Nếu không cẩn thận người giám đốc sẽ đánh mất không những hợp đồng làm ăn mà còn có thể đánh mất cả uy tín thương hiệu của Công ty.
Trong chương trình chìa khóa thành công kỳ này, chúng ta được tham khảo phương thức giải quyết của hai người chơi Trần Thị Xuân Hương và Phạm Bảo Trung ở vị trí cấp giám đốc.
Đây là một tình huống dành cho giám đốc kinh doanh của một Công ty tư vấn thị trường. Công ty ông ta có một khách hàng lâu năm mang lại thu nhập thường xuyên. Một khách hàng mới đến và đưa ra một đơn hàng giá trị rất cao, mọi điều kiện trong hợp đồng đều tốt. Đây là một Công ty danh tiếng và nếu thực hiện đơn hàng này, Công ty ông ta sẽ có một nguồn thu đáng kế và tạo dựng được uy tín nhất định trên thị trường. Tuy nhiên đây lại là đối thủ cạnh tranh của khách hàng lâu năm kia, họ cũng đã biết việc này và tỏ ý không hài lòng.
Người giám đốc kinh doanh sẽ phải lựa chọn giữa một bên là khách hàng lâu năm, đem lại thu nhập thường xuyên với một khách hàng là một Công ty danh tiếng, có thể đem lại nguồn thu đáng kể và tạo dựng được uy tín nhưng lại là đối thủ cạnh tranh của khách hàng kia. Người giám đốc kinh doanh sẽ quyết định như thế nào?
Đây là tình huống dành cho giám đốc dự án. Ông ta đang tham gia đấu thầu 1 dự án của 1 tập đoàn nước ngoài lớn đang đầu tư vào VN. Hội đồng chấm thầu đã quyết định lựa chọn Công ty của ông ta. Tuy nhiên, trước khi ký chính thức, Hội đồng chấm thầu muốn Công ty ông ta sử dụng nhà thầu phụ mà họ gợi ý. Sản phẩm của nhà thầu phụ này là chấp nhận được. Tuy nhiên trong thời gian gần đây có một số bài báo phản ánh rằng hoạt động kinh doanh của nhà thầu phụ này có ảnh hưởng đến môi trường.
Người giám đốc dự án sẽ làm gì khi Hội đồng chấm thầu yêu cầu ông ta sử dụng nhà thầu phụ là một đơn vị đang bị báo chí phản ánh về các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như một điều kiện để ký hợp đồng thầu. Người giám đốc dự án sẽ giải quyết thế nào?
Còn đây là đề bài tình huống của giám đốc kinh doanh của một DN chuyên sản xuất hàng dệt may cao cấp. Trong thời gian gần đây vì khủng hoảng kinh tế nên nhu cầu về mặt hàng may mặc cao cấp giảm đáng kể khiến doanh thu giảm sút. Nhận thấy nguy cơ thua lỗ lớn nếu tiếp tục kinh doanh mặt hàng cao cấp này, ông ta đưa ra đề xuất hạn chế sản xuất các sản phẩm cao cấp và cho ra đời một dòng sản phẩm phổ thông hơn để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế và mở rộng thị trường. Người giám đốc kinh doanh sẽ phải thuyết phục Tổng giám đốc – chính là Mr Mquiz như thế nào khi ông này đưa ra 4 lý do thoái thác?
* Khó khăn thì các cậu phải tìm cách tháo gỡ chứ, chưa chi đã tính chuyện quay sang kinh doanh sản phẩm khác thì làm sao mà làm ăn lâu dài được ?
* Ra đời sản phẩm mới sẽ tốn nhiều chi phí. Chi phí đó nên dùng để làm tăng doanh thu cho sản phẩm hiện có.
* Nếu cho ra đời một dòng sản phẩm mới thì phải mất thời gian 6 tháng đến 1 năm, thời gian đó thị trường chính lại tiếp tục giảm sút thì làm thế nào ?
* Từ trước đến nay Công ty luôn định vị thương hiệu là sản phẩm cao cấp. Nếu bây giờ sản xuất hàng bình dân thì khách hàng, đối tác thân quen sẽ nghĩ gì ?
Các cách giải quyết những tình huống trên sẽ được phát sóng lúc 21 h 15 ngày 10/6/2009 trên VTV1. Chi tiết xem tại http://chiakhoathanhcong.vtv.vn