Nhanh nhạy, cập nhật và giàu tính tương tác, website và các tờ báo online đã và đang chứng tỏ vai trò không thể phủ nhận của mình trong môi trường truyền thông hiện đại cũng như đóng góp tích cực vào việc xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên dù đã có những thành công trong thực tế nhưng: Làm thương hiệu bằng website – Tại sao và thế nào luôn là câu hỏi đặt ra nóng hổi với chính các cơ quan truyền thông.

Website và xây dựng thương hiệu: Thành công đã có trong thực tế

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004 trong bối cảnh mạng Internet ngày càng phổ biến, website của Đài truyền hình TP HCM đã mở ra một kênh giao tiếp hoàn toàn mới giữa HTV với khán giả. Với tiêu chí cung cấp những gì độc giả cần, đúng với thế mạnh của mình như lịch phát sóng, xem trực tuyến các kênh và đặc biệt là hệ thống video những chương trình được nhiều khán giả yêu thích, website của HTV trong những năm qua không chỉ đơn thuần là chiếc cầu nối mà thực sự là công cụ xây dựng công cụ.

Theo Lê Đức Hùng, Giám đốc trung tâm Truyền hình cáp HCTV – Đơn vị điều hàng trang web htv.com.vn trang web này được thiết lập ban đầu với ý nghĩa đầu tiên là cầu nối mà không hề với mục đích đánh bóng thương hiệu. Nhưng từ cầu nối này, khán giả quan tâm đến Đài TH nhiều hơn, giao tiếp với Đài nhiều hơn vì bản thân trang web bản thân nó đã có tính tương tác rất mạnh. Nhờ có sự tương tác này mà cái tên gọi HTV đến được với nhiều người và như thế vô hình chung lại góp phần xây dựng thương hiệu.

Từ vị trí thứ hàng triệu những ngày đầu mới thành lập, website HTV đã có những bước phát triển đấy ấn tượng, duy trì được số lượng độc giả tăng thường xuyên qua các năm, từ đó đưa tên tuổi của HTV đi xa hơn một Đài truyền hình của một địa phương, ở những nơi mà sóng truyền hình TP HCM không thể có mặt.

Website và xây dựng thương hiệu: Thành công đã có trong thực tế 2

Cũng với ý nghĩa mở rộng giao tiếp với bạn đọc, sau năm năm ra đời, tờ Tuoitre online đã không “làm mất đi thói quen đọc báo in” như những lo ngại ban đầu và còn đẩy lượng phát hành của báo in lên một mức cao hơn. Với những thế mạnh đặc biệt về tính tương tác, Tuổi trẻ online đã giúp thương hiệu Tuổi trẻ vượt qua những hạn chế về khuôn khổ của báo in, phát huy sức mạnh của cộng đồng mạng, từ đó làm phong phú cho nguồn tin của chính mình.

Ông Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT báo Tuổi trẻ cho biết: “Chỉ riêng chuyện cộng đồng sống trong thế giới mạng, thế giới số thụ hưởng những nguồn tin từ Tuổi trẻ, phản hồi cho Tuổi trẻ, có ý kiến cho Tuổi trẻ và đưa tin cho Tuổi trẻ đã giúp rất nhiều cho việc tăng nguồn tin cho tờ báo. Mà một tờ báo giàu có về nguồn tin thì tờ báo đó có nền tảng của sự phát triển. Cái đó tôi cho là thế mạnh có tính quyết định”.

Không chỉ dừng lại ở thành công của tờ báo online bằng Tiếng Việt, báo Thanh niên – một trong những tờ báo in đi đầu trong việc xây dựng website, đã cho ra mắt bạn đọc phiên bản tờ báo online bằng tiếng Anh trong năm 2006. Cả hai phiên bản tờ báo online này đã góp sức không nhỏ vào việc đưa lượng báo in phát hành lên cao hơn và thương hiệu của Thanh niên vượt ra khỏi khuôn khổ trong nước.

Theo ông Nguyễn Quang Thông, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên thì trước Thanhnien Online ra đời có một điều mà anh em trong toà soạn vẫn thường lo lắng không hiểu việc phát triển báo điện tử có ảnh hưởng gì đến báo in hay không? Nhưng qua trên dưới 4 năm phát triển cả báo điện tử và báo in đều có sự tương tác hỗ trợ lẫn nhau rất tốt… Trong các năm 2005, 2006 thì số lượng phát hành báo in của Thanh niên tăng trung bình hơn năm trước 50%, 60%.

Website và thương hiệu – Không phải có là thành công!

Sự thành công từ phiên bản online của các thương hiệu như Tuổi trẻ, Thanh niên hay Tiền Phong đã mở đường cho sự ra đời của hàng loạt những website của chính các cơ quan truyền thông sau này. Nhưng một điều cần phải nhìn nhận một cách thực tế: đang có sự khác biệt rất lớn giữa những website mà chủ nhân của nó chính là các đơn vị truyền thông. Và kết quả tất yếu là không phải thương hiệu của cơ quan truyền thông nào cũng thành công bằng chính những website của mình.

Ông Lê Đức Hùng, Giám đốc trung tâm Truyền hình cáp HCTV – Đơn vị điều hàng trang web htv.com.vn cho biết: “Bên cạnh một số Đài làm tương đối tốt website của mình, những trang web khác làm cho tôi có cảm giác nó mang tính hình thức nhiều hơn theo kiểu anh có báo điện tử, tôi cũng có báo điện tử. Các trang web khác có nhiều chuyên mục, tôi cũng phải có nhiều chuyên mục mà chưa chú trọng đến cái khán giả cần ở trang web truyền hình là gì?”

Với sự phát triển Internet và các phần mềm chuyên dụng để có một website là điều không khó. Và thực tế đã chứng minh đã bằng ra đời bùng nổ của các trang tin điện tử của các tờ báo in, các website của hàng loạt các Đài TH, đài PT trong vài ba năm trở lại đây.

Website và thương hiệu – Không phải có là thành công! 2

Nhưng để có một website có bản sắc, có những nguồn tin riêng độc đáo, có khả năng tương tác và multi media để thu hút độc giả từ đó góp phần xây dựng thương hiệu lại là một vấn đề khác. Và vấn đề này, ở một góc nhìn thẳng thắn và sâu sa, bắt nguồn từ sự nhìn nhận khác nhau và sự chú trọng đầu tư khác nhau của chính những cơ quan truyền thông.

Theo ông Nguyễn Quang Thông, Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên thì “Khi mở ra website, phải đầu tư cho thiết bị, đầu tư cho con người, phải có lực luợng, PV, BTV và quản lý. Theo chúng tôi phải xây dựng lực lượng này khá tốt, để có thể thực hiện website hoàn toàn do mình tự lực chứ không phải bằng cách dễ dàng, đầu tư rất ít và hiện nay khá phổ biển là sử dụng các thông tin có bản quyền của các tờ báo in hay báo điện tử khác để up lên mạng”.

Làm website bằng thương hiệu – Tại sao và như thế nào?

Với những lợi thế không thể phủ nhận từ tốc độ cập nhật cho đến khả năng lưu trữ, website từ lâu đã được xem là công cụ hữu hiệu cho việc xây dựng thương hiệu của các DN.

Với các cơ quan truyền thông, website và các tờ báo online còn thể hiện sức mạnh hơn nữa khi nó khắc phục được sự hạn chế về khuôn khổ của tờ báo hay khung thời lượng phát sóng vốn hết sức chặt chẽ.

Khả năng tương tác và multi media vượt trội đã giúp các tờ báo online có thể thoả mãn những nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả từ đọc, nghe, xem đến tham gia trực tiếp vào quá trình làm báo chỉ bằng một phương tiện: mạng Internet.

Tuy nhiên, làm thế nào để đưa website trở thành một công cụ hữu hiệu trong quá trình xây dựng thương hiệu là một bài toán đặt ra với bất kỳ một cơ quan truyền thông nào muốn có một trang web cho chính mình.

Bỏ qua những e ngại ban đầu về sự lấn sân của Internet với văn hoá đọc hay nhu cầu xem truyền hình, câu hỏi được đặt ra ở đây là đầu tư như thế nào cho website là phù hợp và có hiệu quả cũng như mô hình nào là phù hợp cho hoạt động của tờ báo điện tử bên cạnh công cụ truyền thông đã có.

Theo Lê Đức Hùng, Giám đốc trung tâm Truyền hình cáp HCTV – Đơn vị điều hàng trang web htv.com.vn quả quyết: “Ở đây chưa nói đến bài toán tính lời. Bài toán kinh doanh nó sẽ có hiệu quả ở bước sau. Khi đã có thương hiệu rồi, sản phẩm đó nổi tiếng rồi thì lúc đó chúng ta sẽ kinh doanh được. Còn trong thời điểm này chúng ta nên xây dựng website như một công cụ để phát triển thương hiệu, để người ta đến gần mình hơn. Khi người ta đến gần rồi thì mới có thể tính chuyện kinh doanh được”.

Làm website bằng thương hiệu – Tại sao và như thế nào? (Tiếp theo)

Như vậy đối với bài toán kinh tế, đầu tư cho báo điện tử cần một cái nhìn dài hơi, toàn diện và sâu sắc hơn. Những hiệu quả về mặt xã hội, khả năng thu hút độc giả cũng như giá trị của một kênh giao tiếp với khán giả trên một phương tiện như Internet là những thước đo cần được tính đến khi giải quyết bài toán này bên cạnh những chi phí có thể nhìn thấy trên thực tế.

Ông Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT báo Tuổi trẻ cho biết: Ví dụ như Tuổi trẻ những ngày ban đầu chỉ đầu tư khoảng 400, 500 triệu cho trang Tuoitre Online. Sau này khi trang web mở rộng cần đến sự hỗ trợ của các gải pháp kỹ thuật thì chi phí mới nhiều hơn một chút. Nhưng cùng lúc đó, sự hưởng ứng của người đọc và quảng cáo cũng đủ sức bù đắp khoản chi phí đó. Điều quan trọng nhất là tờ báo đã bước được vào thế giới số, trở thành một thành viên của thế giới số.

Từ những phân tích giữa đầu tư và hiệu quả trong năm năm qua của trang Tuoitre Online, ông Phước khẳng định: “Vì thế tôi cho rằng trong các loại đầu tư thì đầu tư cho báo điện tử là đầu tư rẻ nhất và đạt được nhiều hiệu quả cao nhất”.

Cũng theo một tiết lộ của ông Dương Xuân Nam, TBT báo Tiền Phong: Hiện nay mức đầu tư và hiệu quả cho Tien phong Online là tương xứng tương đối. Những năm đầu không có lãi từ năm ngoái đến năm nay bắt đầu có lãi và trong tương lai, hy vọng sẽ có thể lấy thu bù chi.

Kết luận

Cùng với sự phát triển của Internet, sự ra đời và những thay đổi nhanh chóng của các website và tờ báo online trong những năm qua và những năm sắp tới là điều khó có thể đi ngược. Song để có thể phát huy tối đa sức mạnh của một kênh giao tiếp mới, các website và các tờ báo online cần được đầu tư và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Chỉ có như thế với sức sống nội tại của mình, báo điện tử mới thực sự đôi cánh thương hiệu trong thời đại Internet.