Ngày 26/2, Phố Wall mất điểm bất chấp việc Obama hứa sẽ chi thêm 250 tỷ USD để mua nợ xấu của khối ngân hàng.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Barack Obama đã cho biết ngân sách năm 2010 của Mỹ có thể lên tới 3.000 tỷ USD, tương đương 21% GDP của Mỹ năm 2008 (tính theo số liệu được công bố ngày 30/1/2009).
Ông Obama cũng đưa ra nhận định, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm 2009 có thể lên đến 1.750 tỷ USD, tương đương 12,25% GDP của Mỹ năm 2008. Đến năm 2010, mức thâm hụt ngân sách sẽ giảm còn 1.170 tỷ USD.
Chi tiết các khoản chi ngân sách năm tài khóa này có thể sẽ được công bố vào tháng 4/2009, tuy nhiên, ông Obama đã cho biết sẽ dành 250 tỷ USD từ vốn ngân sách để mua lại nợ xấu của ngân hàng nhằm ổn định hệ thống tài chính.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 21/2/2009 đã tăng vọt lên 667.000 người – mức cao nhất kể từ năm 1982, từ 631.000 trong tuần trước đó.
Theo số liệu của Bộ này, tính đến ngày 14/2/2009, số người đang nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã lên tới 5,112 triệu.
Cũng trong ngày 26/2, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số nhà mới chờ bán trong tháng 1/2009 đã giảm 10,2% xuống 309.000 đơn vị (căn hộ, ngôi nhà) – mức thấp nhất kể từ năm 1963.
Bộ này cũng cho biết thêm, giá trung bình một ngôi nhà, căn hộ giảm 9,8% so với tháng 12/2008 xuống 234.600 USD/ngôi nhà, căn hộ.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại cũng thông báo, số đơn đặt hàng lâu bền từ các nhà máy ở Mỹ trong tháng 1/2009 đã giảm 5,2% so với tháng 12/2008, tương đương giá trị 163,8 tỷ USD – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2002.
Các chỉ số giảm từ 1,22 – 2,38%
Ngày 26/2, Tập đoàn General Motors đã công bố lỗ 30,9 tỷ USD trong năm 2008. Mức thua lỗ năm 2008 thấp hơn so với mức lỗ kỷ lục 38,7 tỷ USD năm 2007 – mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hình thành của hãng này. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của General Motors đã giảm 6,67 % xuống 2,38 USD/cổ phiếu.
Trong một diễn biến khác, JPMorgan Chase vừa cho biết sẽ cắt giảm 14.000 việc làm nhằm tiết kiệm chi phí trước bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Trong số đó, JPMorgan Chase sẽ cắt giảm 12.000 việc làm tại ngân hàng họ vừa thâu tóm là Washington Mutual và 2.000 việc làm từ bộ phận ngân hàng đầu tư.
Giới đầu tư đã bán tháo cổ phiếu khối chăm sóc sức khỏe do lo ngại về các khoản dự chi ngân sách do Tổng thống Obama đề xuất, sẽ khiến lợi nhuận của các công ty trong khối này bị sụt giảm mạnh.
Điều này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm, đưa chỉ số Dow Jones giảm 10,2% trong tháng 2 và hạ 18,2% so với đầu năm 2009.
Trước các đợt bán tháo cổ phiếu, chỉ số S&P Chăm sóc sức khỏe đã giảm 5,1%, trong đó, cổ phiếu Merck mất 6,7% – mức giảm mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones, cổ phiếu Eli Lilly, Bristol-Myers cũng giảm xấp xỉ 5%. Trong khi đó, các cổ phiếu trong ngành bảo hiểm cho khối này cũng sụt giảm mạnh.
Dù vậy, thị trường lại được nâng đỡ bởi sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng, trong đó cổ phiếu JPMorgan Chase (JPM) tăng 6,07%, cổ phiếu Bank of America lên 3,12%, cổ phiếu SunTrust tiến thêm 17,73%…
Điểm qua kết quả giao dịch ngày 26/2: chỉ số Dow Jones tiếp tục giảm 88,81 điểm, tương đương -1,22%, chốt ở mức 7.182,08.
Chỉ số Nasdaq phiên này mất 33,96 điểm, tương đương -2,38%, chốt ở mức 1.391,47.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 12,07 điểm, tương đương -1,58%, đóng cửa ở mức 752,83.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,47 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 10 cổ phiếu giảm điểm thì có 9 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,28 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu mất điểm thì có 3 cổ phiếu lên điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ khối tài chính
Chứng khoán châu Âu đã đồng loạt lên điểm và chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm điểm. Đà tăng của thị trường được hỗ trợ bởi sức tăng cổ phiếu khối ngân hàng và bảo hiểm.
Trong đó cổ phiếu RBS lên 25,5%, cổ phiếu UBS, Deutsche Bank, BNP Paribas, Societe Generale tăng từ 8,9-16,2%; cổ phiếu Allianz tiến thêm 12,4%, cổ phiếu BASF tăng 7,4%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE của Anh tăng 66,66 điểm, tương đương 1,73%, chốt ở mức 3.915,64. Khối lượng giao dịch đạt 2,85 tỷ cổ phiếu.
Chỉ số DAX của Đức lên 2,51%, khối lượng giao dịch đạt 38 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 1,78%, khối lượng giao dịch đạt 200 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán Trung Quốc tụt dốc
Chính phủ Mỹ đang bắt đầu đưa ra các kế hoạch chi tiết và bước đi cụ thể nhằm giải cứu hệ thống ngân hàng. Động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Obama đã khiến giới đầu tư đang lo ngại về một biện pháp được cho là “mạnh tay” nhằm quản lý chặt hơn các ngân hàng lớn ở nước này.
Giới đầu tư ở Mỹ đã có phản ứng tiêu cực sau khi nhận được thông tin này và tăng bán cổ phiếu vào cuối ngày giao dịch, đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Tâm lý hoài nghi về kế hoạch này cũng lại tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường chứng khoán châu Á hôm 26/2.
Chứng khoán Nhật hôm thứ Năm đã gần như không có biến chuyển so với phiên trước đó. Thị trường chứng kiến phiên sụt giảm của cổ phiếu Advantest (-12,7%), hãng dược phẩm Daiichi Sankyo (-9,5%) và nhiều cổ phiếu blue-chip khối xuất khẩu. Trong đó, cổ phiếu Toyota hạ 2,8%, cổ phiếu Canon giảm 2,2%, cổ phiếu Sony mất 2,7%…
Tuy nhiên, nhờ số lượng cổ phiếu tăng/giảm trên sàn Tokyo là tương đối cân bằng nên toàn thị trường vẫn gần như không thay đổi so với phiên trước đó.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,29 điểm, tương đương -0,04%, chốt ở mức 7.457,93. Khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu, thị trường có 812 cổ phiếu lên điểm và có 775 cổ phiếu giảm điểm.
Chuyển qua thị trường khác, ngày 26/2, Bộ Thương mại Singapore cho biết, GDP của nước này trong quý 4/2008 đã tăng trưởng âm 16,4% so với quý 3/2008 – mức giảm mạnh nhất trong 33 năm qua tại quốc đảo này. Như vậy, GDP của Singapore đã tăng trưởng 1,1% trong năm 2008.
Theo dự báo của Chính phủ nước này, GDP của quốc đảo sẽ tăng trưởng âm từ 2-5% trong năm 2009.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Straits Times đã tăng 0,65 điểm, tương đương 0,04%, chốt ở mức 1.617,44.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đã bất ngờ giảm mạnh do sự sụt giảm của cổ phiếu khối ngân hàng và sản xuất ôtô. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite mất 3,87%, chốt ở mức 2.121,25 .
Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,55%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 0,85%. Chỉ số BSE của Ấn Độ mất 0,13 %. Chỉ số ASX của Australia lên 0,48%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,15%.