Khiếp quá … những cái tên người Việt
Cha mẹ ai cũng muốn đặt cho con mình những cái tên đẹp. Nhưng vì nỗi niềm riêng, vì những bức xúc trong cuộc sống, mà họ lại đặt cho con mình những cái tên kỳ lạ…
Từ Ly Tan đến… Xin Thôi
Vì tức giận người chồng bội bạc mà chị Huỳnh Thị L. (trú Tiên An, Tiên Phước, Quảng Nam) đặt cho đứa con gái sinh năm 1986 cái tên Dương Thị Ly Tan. Một cái tên mang bi kịch của sự tan vỡ. Trong một lần trò chuyện, Ly Tan tâm sự rằng cái tên này đã làm cô dằn vặt đau khổ, và gợi nhắc một quá khứ đau buồn của cha mẹ mà cô phải gánh chịu.
Còn cô bé có cái tên Lê Thị Vô Lý, sinh năm 1993 do người mẹ Trần Thị Đ. (trú tại xã Tam Xuân II, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đặt. Chị Đ. kể, do giận người chồng bội bạc đã bỏ đi khi chị đang mang thai nên khi sinh con, chị đặt tên như thế cho… bõ ghét. Cho đến tuổi cắp sách đến trường bị bạn bè cùng lớp trêu chọc, cô bé đòi bỏ học. Chị Đ. tâm sự: "Chỉ một phút thiếu suy nghĩ vì nóng giận, mà con bé bị mặc cảm với bạn bè vì cái tên không đâu vào đâu…".
Còn ông Võ Mười Sáu, trú tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước đặt tên cho đứa con gái "vượt kế hoạch" cái tên ngồ ngộ: Võ Thị Xin Thôi (sinh năm 1989). Ông kể lại, khi đứa bé ra đời, gia đình ông bị chính quyền địa phương mời lên xử phạt. Nhà nghèo, ông phải nhịn ăn bán lúa để nộp phạt. Nhìn đàn con nheo nhóc đói ăn, ông đặt luôn tên con: Xin Thôi, như dặn lòng: Thôi đừng đẻ nữa! Không ngờ, mỗi khi đến trường bị bạn bè châm chọc, bé Xin Thôi phải bỏ học.
Đến năm 25 tuổi, chị Nguyễn Thị Nghĩa Trang (sinh năm 1979) đã phải tìm đến Sở Tư pháp để xin thay đổi tên vì "chịu hết xiết". Chị Nghĩa Trang bộc bạch: "Cái tên nó làm mình dằn vặt đau khổ. Bạn bè trêu chọc, nên bỏ học giữa chừng… Đến khi đi xin việc làm cũng không ai nhận chỉ vì cái tên".
Trả lại tên cho em
Năm 17 tuổi, qua dò hỏi bạn bè, một mình Dương Thị Ly Tan tìm đến Sở Tư pháp xin đổi lại tên cho mình. Nhờ cái tên mới được cải chính giờ đây cô bé đã tìm cho mình một việc làm ổn định và nghe đâu đã có một gia đình êm ấm.
Còn cô bé Võ Thị Xin Thôi giờ đây cũng có tên mới là Thu T. khi bước sang tuổi 18 và đã có một công việc ổn định. Thu T. kể lại rằng, hồi đi học bị bạn bè trêu chọc, nên phải nghỉ học sớm. Khổ vì cái tên, nên cô không dám bước ra ngoài, suốt ngày ru rú trong nhà. Hôm gặp tôi, cô bảo rằng cô đã có cái tên mới rất đẹp. Nhưng cái tên cũ vẫn luôn ám ảnh cô…
Chị Trần Thị Đ., mẹ của cô bé Lê Thị Vô Lý thì tự hào khoe rằng đã kịp thời đổi được tên cho con. Một cái tên không đẹp lắm, nhưng cũng đã làm đứa con đang học lớp 7 của chị hết buồn và mặc cảm với bạn bè…
Hàng nghìn cái tên chẳng giống ai trong khai sinh được lưu trong sổ hộ tịch tại các xã ở Quảng Nam, mà mỗi cái tên đã nói lên một bi kịch của những người cha, người mẹ. Một cán bộ hộ tịch Sở Tư pháp Quảng Nam cho biết, trong hơn 10 năm qua, đã hoàn tất thủ tục cho phép cải chính họ tên cho hàng nghìn trường hợp, chủ yếu là thay đổi những cái tên xấu và gây mặc cảm.
Việc làm thủ tục thay đổi họ tên trong khai sinh không khó, nhưng rất phức tạp. Khi đã đổi tên, những rắc rối phức tạp của các giấy tờ liên quan phải thay đổi theo như sổ hộ khẩu, rồi những giấy tờ liên quan đến nhân thân cũng phải thay đổi. Dù vậy, việc trả lại cái tên đúng nghĩa cho mỗi con người là vô cùng cần thiết.
Theo Thanh Niên