Thị trường, sau hơn hai tháng, đã quay đầu, vượt mốc 300 điểm. Nhà đầu tư đang hăm hở tham gia vào thị trường. “Đừng rời thị trường để chốt lãi, hãy còn quá sớm”, công ty chứng khoán HSC khuyên
Tăng hơi nóng
Chưa bao giờ thị trường có lượng dư mua cao như phiên giao dịch cuối tuần qua kể từ tháng 7.2008. Nhà đầu tư mua vào hơn 46,6 triệu chứng khoán với giá trần nhưng không có hàng để bán. Ngay cả một cổ phiếu vừa được sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM xếp vào dạng kiểm soát, vì kết quả kinh doanh lỗ, cũng tăng trần.
Giá trị giao dịch toàn thị trường trong phiên cuối tuần đạt 827 tỉ đồng, tăng 30,3% giá trị so với phiên trước đó. “Thị trường tăng vượt ngoài mong đợi của tôi”, nhà đầu tư Lan, sàn BSC hớn hở nói.
Dòng tiền đổ vào thị trường có chiều hướng gia tăng. Lượng giao dịch bình quân trong tuần qua đạt 27 triệu cổ phiếu, tăng 11,25% so với tuần trước đó, theo công ty chứng khoán FPTS. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên là 576 tỉ đồng, tăng gần 44 tỉ đồng so với con số tương ứng của tuần trước. Mức tăng này, trong con mắt giám đốc phòng phân tích của HSC, ông Fiarcha Mac Cana, là “hơi quá nóng, xét trên quan điểm ngắn hạn”.
Kể từ mức đáy 235 điểm ngày 24.2 qua, thị trường đã tăng 25% lên mức điểm 310 hiện tại. Những nhà đầu tư nào mua bán trong thời gian này cũng lời mức tương đương. Có nhiều cổ phiếu có mức tăng trên 50%.
Lực đẩy từ trong nước
Trong 12 phiên đầu tiên kể từ mức đáy thiết lập ngày 24.2, lực đẩy thị trường tăng điểm do các nhà đầu tư trong nước. Cùng thời điểm đó, khối ngoại giữ vị thế bán ròng, đặc biệt có chín phiên bán ròng liên tiếp kể từ ngày 5.3. Tuy vậy, lực đẩy từ nhà đầu tư trong nước đã thắng lực cản bán ròng trên. Đến ngày 18.3, khối ngoại quay lại mua ròng, với 10 phiên mua ròng liên tiếp. Ông Khổng Văn Minh, giám đốc đầu tư quỹ đầu tư Jaccar (Pháp), nhận xét: “Đã qua thời nhà đầu tư nước ngoài mới là người duy nhất dẫn dắt thị trường”. Bởi, theo ông, nhiều nhà đầu tư trong nước đã “vỡ” ra sau kết quả kinh doanh năm 2008, nhà đầu tư nước ngoài cũng bị lỗ nặng. Nhà đầu tư trong nước không còn bắt chước nhà đầu tư nước ngoài mua vào bán ra. Cụ thể là hai, ba hôm vừa rồi, khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, họ vẫn bình tĩnh mua vào.
Lý do đầu tiên khiến thị trường đi lên, theo ông Khổng Văn Minh, là các nguồn tiền từ dự trữ và bán vàng của nhà đầu tư đã sẵn sàng cho việc đổ ngược lại vào chứng khoán. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là thông tin kết quả hoạt động quý 1 của các doanh nghiệp công bố không xấu như lo ngại của thị trường.
Tâm lý của nhà đầu tư, theo khảo sát bỏ túi của công ty chứng khoán FPTS, có dấu hiệu lạc quan. 30,1% trong tổng số 528 người dự đoán VN-Index đóng cửa tháng 3 ở mức trên 280 điểm. Cho tới ngày 31.3, trong 216 người được hỏi, có hơn 58% dự đoán VN-Index trước kỳ nghỉ lễ 30.4 ở mức trên 320 điểm.
Theo chứng khoán Quốc tế (VIS), trong tháng 4, nhiều khả năng VN-Index sẽ biến động từ 263 điểm đến 320 điểm. Ngưỡng thấp nhất trong ngắn hạn là 263 điểm. Hiện VN-Index đã vượt ngưỡng 290 điểm, do đó, chỉ số này sẽ tiếp tục chinh phục mốc 320 điểm. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn có thể đón sóng ngắn trong tháng 4 này.
Ông Mac Cana và ông Khổng Văn Minh cũng cho rằng, ngưỡng kháng cự sẽ xoay quanh mức 320 của VN-Index. “Thị trường sắp tới lúc hãm đà sau một hai phiên tăng nữa trong tuần này”, ông nói. Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn trong xu hướng tăng trong vòng một tháng tới.