Giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười luôn hiện trên môi là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp Đào Thu Hương – một học sinh khiếm thị nhưng đã nỗ lực vượt khó để luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc, được nhiều tổ chức, cá nhân trao học bổng, tặng bằng khen. Cô gái lớp 12D Trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội ấy vừa được tuyển thẳng vào Khoa tiếng Anh (hệ sư phạm) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

Nỗi đau số phận
Đào Thu Hương (21 tuổi) sinh trưởng trong một gia đình viên chức bình thường ở nhà số 6, ngách 1, ngõ Thiên Hùng, Khâm Thiên, Hà Nội. Cả gia đình không ai bị bệnh về mắt nhưng khi Hương ra đời mọi chuyện đã khác. Thấy con luôn khóc ngặt đi, chị Hạnh – mẹ Hương rất lo lắng đã đưa Hương đi khám và phát hiện bệnh ở mắt làm cho em đau nhức. Bác sĩ buồn rầu nhìn chị Hạnh báo tin chẳng lành: "Sớm muộn cháu cũng bị khiếm thị". Như tiếng sét ngang tai, chị đưa con về tìm cách chữa chạy nhưng vô vọng, thị lực chỉ còn khoảng 2/10.

Đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ (Đào Văn Thư và Nguyễn Thị Hạnh) đã gặp một chứng bệnh nan y, hiếm gặp. Anh chị đã dành tất cả tình yêu thương của mình cho con. Ngay từ nhỏ, trí thông minh của Hương đã được bộc lộ rõ. Chuyện kể về cô bé "mắt kém" học giỏi được học sinh, giáo viên "lan truyền".

Năm lớp 4 vì nghi ngờ "tin đồn" đó và muốn xem Hương có đủ khả năng học tiếp không, cô Hiệu trưởng trực tiếp ra đề cho em làm. Hương làm nhoay nhoáy một hồi thì xong những bài toán không hề dễ đó khiến tất cả những người chứng kiến đều bất ngờ và dù rất buồn nhưng cô Hiệu trưởng cũng phải khuyên chị Hạnh cho con sang học Trường Nguyễn Đình Chiểu để có điều kiện phát triển hơn.

Cuối năm học đó, Hương được đưa đi phẫu thuật ở Viện Mắt Trung ương với mong mỏi "còn nước còn tát". Ca phẫu thuật không đem lại kết quả như mong muốn. Đôi mắt yếu dần và lịm hẳn, Hương chuyển sang Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, bắt đầu cuộc sống mới.

Tình yêu của bố mẹ đã chắp cánh cho con…
Ngồi xem học bạ và bảng điểm của Hương, tôi sững người vì những điểm số cao san sát từ 7,9 đến 9,9. Những người biết Hương đều không bất ngờ trước tin em được tuyển thẳng vì "dù thi thì cũng đỗ thôi". Nhưng mấy ai biết để có được điều đó là cả một quá trình dài nỗ lực không mệt mỏi.

Đến gia đình Hương, tôi cảm nhận được nét rắn rỏi, mạnh mẽ mà đằm thắm của người nữ cán bộ trinh sát Phòng An ninh kinh tế, Công an TP Hà Nội – Nguyễn Thị Hạnh hiện hữu trong con người Hương. Bao năm qua, bản lĩnh của người chiến sĩ Công an đã giúp chị trụ vững, vượt qua những khó khăn và đớn đau trong lòng. Bây giờ thì chị đã có thể nở nụ cười vui sướng. Đứa con đầu lòng mà anh chị gửi gắm bao nhiêu yêu thương sắp thành sinh viên của một trường danh tiếng.

Hết cấp 1 rồi cấp 2, Hương luôn là học sinh giỏi xuất sắc. Không chỉ học giỏi, Hương còn bộc lộ năng khiếu ở đàn và vẽ. Năm 15 tuổi, Hương đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi vẽ dành cho thiếu nhi do báo Nhi Đồng tổ chức. Ở trường, Hương là một tay đàn organ không thể thiếu trong đội văn nghệ mỗi khi biểu diễn. Hương bảo em rất tiếc khi không thể theo đuổi hai sở thích đó vì phải dành thời gian cho học hành.

Từ ý tưởng thành lập một diễn đàn cho người khiếm thị, tờ báo "Hoa nắng" do Hương đặt tên đã ra đời và đi vào hoạt động, thu hút sự chú ý theo dõi không chỉ của người khiếm thị. Tên của tờ báo mang theo thông điệp muốn sống hòa đồng với mọi người và ý chí vươn lên như những tia nắng buổi bình minh của người khiếm thị.

… khẳng định mình
Tốt nghiệp THCS với 56,5 điểm, Hương và gia đình lại một lần nữa ngậm ngùi khi không trường THPT nào "dám" nhận một học sinh khiếm thị, mặc dù số điểm đó cao hơn điểm chuẩn 4-5 điểm. "Người ta không có năng lực đã đành, con mình học giỏi thực sự chẳng lẽ lại đi học bổ túc", nghĩ vậy chị Hạnh lại tất bật lo toan và tìm đến "cầu cứu" vị giáo sư toán học nổi tiếng trong ngành Giáo dục nước nhà và giàu lòng nhân ái, Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường Trung học dân lập Lương Thế Vinh.

Xem xong học bạ của Hương, thầy bảo: "Học thế này thì tốt quá rồi còn gì". Hương được nhận vào trường. Lúc ấy hai mẹ con vỡ òa trong niềm xúc động. Hương đã không làm thầy Cương thất vọng. Em vẫn học giỏi đều tất cả các môn và luôn đứng đầu lớp. Với các môn Văn, Toán, Lý, Hóa em làm trên máy tính hoặc chữ nổi Brai rồi đọc cho thầy cô chấm. Sách vở đều dày cộp cộng với chiếc Laptop có cài phần mềm dành cho người khiếm thị do một nhà hảo tâm tặng. Có ngày Hương đi học với 3 chiếc cặp. Tôi bất ngờ khi thấy đôi tay em nhẹ lướt trên bàn phím, làm thuần thục những thao tác như: soạn thảo văn bản, checkmail…

Với Hương được vào thẳng hay thi đỗ đại học thì khi vào đại học em vẫn phải "nổi bật" trong học tập. Em muốn chứng minh rằng, người khiếm thị không hề thua kém những người bình thường, lành lặn.