Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Hoa Kỳ: Thủ tục khó hay DN thờ ơ?


Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (BTA) đã tạo một bước phát triển rõ rệt trong quan hệ thương mại hai nước.

 Kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của BTA” do Viện nghiên cứu quản lý TW (CIEM) và Dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại STAR – Việt Nam phối hợp thực hiện cho thấy, trong năm 2002, kim  ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 128% so với năm 2001. Nhiều mặt hàng công nghiệp chế tạo trước khi ký kết hiệp định bị hạn chế bởi thuế suất cao thì nay đã tăng trưởng vượt bậc như may mặc tăng 18 lần, điện tử tăng 270%, đồ gỗ tăng 499%… Tuy nhiên, có một điều mà các chuyên gia quản ngại đó là nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam đang có nguy cơ bị xâm phạm rất cao,

Quá ít nhãn hiệu được đăng ký tại Mỹ

Thực tế đã có không ít các thương hiệu như  của thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Hương, Petro… đã bị tranh chấp ở nước ngoài trong đó có Hoa Kỳ mà theo các chuyên gia, nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu kịp thời tại các nước đó. Ông Trần Việt Hùng – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, theo con số thống kê tại Cục Sở hữu trí tuệ và tra cứu trên trang web của cơ quan Patent và nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ thì số đơn đăng ký nhãn hiệu của các DN Việt Nam ra nước ngoài theo thỏa ước Madrid (gồm 52 nước) chỉ có 54 nhãn hiệu, và số nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam xin đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ mới chỉ là 164 nhãn hiệu. Con số này thật khiêm tốn khi các DN Hoa Kỳ đã đăng ký bảo hộ 8.988 nhãn hiệu của họ tại Việt Nam. Và càng quá nhỏ so với hàng triệu nhãn hiệu được đăng ký tại Mỹ. Trong khi đó, theo bà Lynne G. Beresford Phó Cục trưởng về Chính sách giám định nhãn hiệu hàng hóa, Cục sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ, năm nay Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ (USPTO) sẽ nhận khoảng 265.000 đơn xin đăng ký. Rõ ràng số nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký ở nước ngoài nói chung và ở Mỹ nói riêng còn quá thấp so với yêu cầu thực tế. Phải chăng, thủ tục đăng ký tại Mỹ quá khó hoặc tốn kém hay các DN Việt Nam còn thờ ơ với vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ có quá khó?

Tại Hội thảo về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Hoa Kỳ và Việt Nam từ 11-12/8/2003 tại Hà Nội bà Lyne G. Beresford đã trình bày về qui trình và thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ. Theo bà, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Hoa Kỳ không hề khó khăn hay tốn kém. Nhãn hiệu hàng hóa sẽ được đăng ký sau khi trải qua qui trình được điều hành bởi USPTO. Chủ sở hữu nhãn hiệu nộp lệ phí, nộp đơn trong đó chỉ ra nhãn hiệu, cách thức và ngày sử dụng đầu tiên, nộp các bản vẽ và mẫu nhãn hiệu. Xét nghiệm viên của USPTO sẽ xem xét nhãn hiệu đó về tính phân biệt và tra cứu các nhãn hiệu xung đột. DN nộp đơn phải giải đáp những câu hỏi của luật sư xét nghiệm trong vòng 6 tháng, nếu DN không trả lời đơn sẽ bị đình chỉ. Nếu không có ý kiến phản hồi nhãn hiệu sẽ được đăng ký. Bà cho biết, DN muốn đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ chỉ cần nộp 355USD và có thể gửi đơn đăng ký dưới 2 hình thức: đăng ký bằng điện tử và đăng ký bằng giấy tờ. Thời gian từ lúc nộp đơn đến lúc chấp nhận là 15 tháng. Theo bà, cách tiết kiệm thời gian và chi phí nhất là DN vào website của USPTO: là . tại đây mọi qui trình, thủ tục, các nhãn hiệu đã đăng ký, đơn xin đăng ký, đơn phản hồi đều được công khai minh bạch. DN có thể lấy thông tin tại trang đơn và đăng ký nhãn hiệu (TARR). Như vậy thông qua trang web DN có thể tìm hiểu thông tin về thủ tục, qui trình đăng ký nhãn hiệu đồng thời có thể tra cứu xác định xem nhãn hiệu của mình đã bị đăng ký hay nộp đơn đăng ký đồng thời phát hiện những đơn đăng ký mà nhãn hiệu của mình để phản đối kịp thời.

Có thể thấy việc đăng ký nhãn hiệu hàng tại Hoa Kỳ không phải là quá khó đối với các DN Việt Nam. Theo sự nhìn nhận của ông Trần Việt Hùng thì ý thức của các DN Việt Nam về việc bảo hộ nhãn hiêụ hàng hoá kịp thời ở nước ngoài còn thấp. Một số chuyên gia khác thì cho rằng đó là việc thiếu hiểu biết về hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả hệ thống luật pháp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thiết nghĩ, cho dù các DN có thiếu hiểu biết hay thờ ơ thì đã đến lúc nếu họ cần phải quan tâm, nếu không chính họ sẽ là người thiệt thòi khi nhãn hiệu hàng hoá của mình bị xâm phạm mà không được bảo hộ. Các cơ quan hữu quan và các tổ chức cũng cần tạo điều kiện giúp đỡ cung cấp thông tin kịp thời để tăng cường sự hiểu biết pháp luật nhất là Luật sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn làm việc với nước ngoài.

 

Hồng Dương