Các “công dân ảo” tìm đến mạng xã hội để giao tiếp, không phải để tìm kiếm sản phẩm dịch vụ, vậy thì nhà điều hành mạng làm sao thuyết phục được khách hàng quảng cáo?
Nhưng đó lại không phải là câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề. Marketing truyền thống cho rằng, cần phải bán cái thị trường cần, còn với mạng xã hội, lý thuyết được viết lại: bán cái mình có.
Một đỉnh cao mới của marketing? Không ai dám chắc câu trả lời, nhưng có một thực tế là không phải quảng cáo sẽ được triển khai ra sao trong môi trường mạng xã hội, mà là mạng xã hội đang làm thay đổi phương thức quảng cáo như thế nào.
Theo cây bút Jonathan L. Yarmis của tờ tuần báo BusinessWeek, thách thức lớn nhất với các nhà quảng cáo là hiệu quả niềm tin của các thông điệp quảng cáo. Thông thường, người tiêu dùng cho rằng thông tin từ các kênh quảng cáo có ít tính trung thực. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn các nhà kinh doanh tiếp tục đổ tiền vào các chiến dịch quảng cáo, bởi các thông điệp có trọng tâm và mức độ bao phủ rộng của chương trình sẽ bù đắp cho hiệu quả niềm tin. Ngày nay, các thông điệp truyền miệng ở trường hợp nào đó lại được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy. Nhưng thông thường, bạn sẽ không có quá nhiều cách để truyền đi những thông điệp thể hiện quan điểm của một ai đó. Còn nếu bạn là một ngôi sao nổi tiếng, điều này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Và ngày nay, có quá nhiều “ngôi sao trên mạng”, trên sàn diễn mạng xã hội, họ là những kênh thông tin đang góp phần làm thay đổi phương thức quảng cáo.
Con đường đi lên của mạng xã hội, theo đánh giá của nhà quảng cáo, cũng được trải bởi những “xác chết” của nhiều phương thức quảng cáo trực tuyến lỗi thời, vì người xem có xu hướng bỏ qua những thông điệp quảng cáo không trông đợi xuất hiện trên màn hình, và chán ngấy những quảng cáo kiểu cũ trên những kênh truyền thông cũ. Bằng chứng là sự suy giảm của số lượng nhấp chuột (click) vào các thông điệp quảng cáo. Ngày nay, một thông điệp quảng cáo được đánh giá là thành công nếu nó chỉ cần thu được ít nhất 1 click/10 người xem (view). Không hiếm trường hợp mục tiêu đặt ra cho lượng click là 3% (tính trên số view), nhưng kết quả thực tế chỉ là… 0,3% – vẫn theo BusinessWeek.
Dù vậy, mạng xã hội không phải là lựa chọn hoàn hảo cho nhà kinh doanh khi muốn triển khai chiến dịch quảng cáo. Một nghiên cứu có tên “Tương lai của ngành quảng cáo và giá trị của mạng xã hội” của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (2007) cho thấy, hầu hết các mạng xã hội không thể trở thành những website dành cho quảng cáo. Nghiên cứu này cũng cảnh báo: (1) một cộng đồng ảo sẽ không thể giống một cộng đồng thực tế; (2) một người bạn ảo không thật sự là một người bạn; (3) bình luận về sản phẩm nào đó từ những người bạn ảo có thể sẽ vừa không cởi mở, vừa không đáng tin cậy; (4) thiếu trải nghiệm do không ở vào vị thế trả tiền để sở hữu sản phẩm.
Tháng 4/2008, Vitamin Water, một sản phẩm của Coca-Cola thực hiện một chiến dịch quảng cáo, cộng tác với nhà sản xuất phần mềm mini Slide nhằm quảng bá cho loại đồ uống này. Với ứng dụng “Top Friends” do Slide phát triển, thành viên của mạng xã hội Facebook có thể gửi tới thành viên khác những chai Vitamin Water ảo. Nhà quảng cáo hi vọng sẽ có 100.000 chai nước được “tiêu thụ” trên mạng trong chiến dịch kéo dài một tuần. Tuy nhiên, kết quả đã vượt xa trông đợi của bất cứ ai: hơn 1 triệu chai đã được người dùng mạng Facebook gửi cho nhau ngay trong ngày đầu tiên.