(Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Khả năng làm tốt việc này hay việc khác luôn là bẩm sinh, dẫu trong cuộc sống, con người bằng ý chí và lao động có thể tạo thêm cho mình những năng lực khác nữa. Và theo nhiều nhà khoa học, để lựa chọn đúng sở trường, chúng ta nên nhìn vào đầu ngón tay mình xem những đường vân tay bẩm sinh như thế nào.
Giáo sư Igor Spiridonov thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman khẳng định rằng, phân tích các vân tay có thể nhìn nhận ra trong con người thiên hướng của một kỹ sư giỏi hay một nhà quản lý bán hàng lý tưởng. Đối với những ai làm công tác cán bộ, phương pháp này quả là quý giá. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, nếu tập hợp và so sánh các dữ liệu về đường vân tay của một nhóm người, có thể nhìn thấy trước việc họ có thể cộng tác với nhau được hay không trong một tập thể và mức độ hiệu quả của sự hợp tác đó.
Trong thực tế ở Nga, phương pháp xác định nhân thân qua vân tay như trên đã bắt đầu được áp dụng ở một số công ty. Aleksey Tsapplin, Giám đốc điều hành một trong những công ty tư vấn lớn ở Nga cho biết: "Sau khi nghiên cứu các đường vân tay của ứng cử viên xin việc làm sẽ lập ra sơ đồ sinh học của anh ta. Trong đó chỉ rõ những sở thích và nhu cầu nào được thể hiện rõ ở người này, công việc nào được anh ta thích nhất – làm doanh nhân hay nhà quản lý, làm công tác hành chính hay phân tích tình hình, làm chuyên gia hay người điều hành chung, làm nhà cải tiến hay người kết nối… Một sơ đồ đặc biệt khác cũng thể hiện, hoạn lộ nào thích hợp nhất với anh ta: nghiên cứu lý thuyết hay kinh doanh trong thực tế, làm công tác chuyên môn hay làm công tác quản lý…".
Trong sơ đồ sinh học sẽ chỉ ra cả việc, đối với ứng cử viên tìm việc đó cái gì quan trọng hơn, lợi ích cá nhân hay lợi ích công ty, liệu anh ta có thể phát huy được hiệu quả tốt trong tập thể hay làm đơn lẻ tốt hơn…
Trong sơ đồ đó cũng có tính tới ảnh hưởng của rượu đối với ứng cử viên tìm việc: hoá ra là một số ông chủ cũng muốn biết việc uống rượu làm cho cán bộ của họ trở nên say sưa hay ngược lại, giúp trở nên thư giãn…
Tiếp theo, sơ đồ tâm lý của ứng cử viên xin việc được so sánh với các dữ liệu của những cán bộ đã thể hiện tốt trong công ty ở những cương vị nhất định. Nếu các sơ đồ đó tương đồng với nhau thì ứng cử viên tìm việc ấy sẽ được nhận vào làm. Cũng theo lời ông Tsaplin, "độ chính xác của phương pháp tuyển người dựa trên đường vân tay đúng tới hơn 80%!".
Tuy nhiên, nếu quả thực là như vậy thì ở đây sẽ nảy sinh ra một vấn đề: mọi sự đều do thiên định cả và như văn hào Maxim Gorky từng viết: "Kẻ nào được sinh ra để bò thì không bao giờ cất được cánh bay". Cho tới bây giờ khoa học chính thống vẫn khẳng định rằng, những phản xạ có điều kiện được coi là có điều kiện vì chúng hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài.
Việc nghiên cứu các đường vân tay, về phần mình lại chỉ rõ những khả năng được coi là thiên phú đã hình thành và được thể hiện như thế nào. Và theo đó, một người sinh ra để là phi công thì không thể trở thành một chuyên gia phân tích tốt? Các nhà khoa học ở Trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman khẳng định rằng, đúng là như vậy!
Tuy thế, họ cũng kêu gọi không nên bi quan quá: "Ai cũng có thể và ai cũng cần phải trở thành chuyên gia giỏi trong một lĩnh vực nào đó. Hơn nữa, nếu ai đó được sinh ra để làm họa sĩ thì chắc gì anh ta đã thích trở thành nhà toán học, ngay cả nếu như cha mẹ anh ta rất muốn điều đó…".
Các nhà khoa học cho rằng, con người sở dĩ có được trí tuệ là để tìm đường đi tới mục tiêu của mình một cách sáng tạo. Nếu một số người này phá cửa để ra thì một số người khác lại tìm cách khác để mở cửa mà vào. Và kết quả là như nhau.
Các nhà khoa học cũng nhắc nhở rằng, chỉ trông chờ vào các phản xạ bẩm sinh thôi thì chưa đủ. Bởi chúng ta còn cần phát hiện ra trong mình những khả năng tiềm ẩn sâu sắc hơn.
Nếu không có ý chí và những người thầy giỏi thì ngay cả một người sinh ra để làm thiên tài cũng chưa chắc đã thể hiện được hết những khả năng thiên phú của mình. Thậm chí những khả năng thiên phú to lớn có thể sẽ gây họa cho chính người sở hữu chúng và cả xung quanh nếu ta không cố gắng thể hiện chúng ra một cách đúng đắn.
(Theo CAND)