Cuối tuần qua, một số định chế tài chính quốc tế đã công bố các phân tích lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam nửa cuối 2009. Đây là lực đỡ cần thiết giúp tâm lý NĐT ổn định hơn, nhất là khi báo cáo kết quả kinh doanh quý II với sự soát xét của kiểm toán sắp được công bố.
Những nhận định tích cực
Với tiêu đề "Điều tồi tệ nhất đã qua", báo cáo tổng quan kinh tế thế giới quý III/2009 của HSBC đã dành những đánh giá khá tích cực về Việt Nam. "Chúng tôi tin rằng mọi thứ đang tốt dần lên ngay từ quý II/2009 do Việt Nam đã thực thi một loạt các chính sách nới lỏng từ cuối 2008. Chính phủ mới đây cũng đã tăng quy mô gói kích thích kinh tế từ 2 tỉ USD lên 8 tỉ USD, trong đó bao gồm 5,1 tỉ USD hướng vào các dự án hạ tầng".
Bình luận về tình trạng thâm hụt thương mại quay trở lại, nhóm nghiên cứu của HSBC cho rằng, thực tế tình trạng này tạm thời không xảy ra trong quý I/2009 là do tác động của việc xuất khẩu vàng, còn "thực tế chúng tôi vẫn dự đoán xuất hiện tình trạng thâm hụt do Việt Nam cần nhập khẩu nhiều hàng hóa và nguyên liệu phục vụ sản xuất. Dù vậy mức độ thâm hụt năm 2009 vẫn sẽ thấp hơn nhiều con số của năm 2008".
Liên quan đến rủi ro lạm phát, mặc dù những con số mới đây cho thấy có sự tăng giá hàng hóa ở một số địa bàn và đặc biệt là khả năng tăng giá theo chu kỳ vào cuối năm nhưng mức lạm phát chung của năm 2009 được dự kiến không quá 7,5%. Vấn đề quan trọng nhất được HSBC chú ý là tác động của gói kích cầu đang được triển khai, nhất là biện pháp hỗ trợ lãi suất:
"Một lượng tiền lớn được tung ra như vậy nên đi cùng với tăng trưởng. Do đó, những quý tới sẽ là thời điểm để đánh giá chất lượng thực sự của hoạt động cho vay vì nó liên quan đến cả hệ thống NH", báo cáo viết.
Thực tế báo cáo tổng quan kinh tế thế giới quý III này là một sự khẳng định tiếp tục báo chuyên đề về Việt Nam đã được công bố trước đó. HSBC đã có sự điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP 2009 của Việt Nam từ 4,5% lên 6%.
Cập nhật các số liệu mới hơn, báo cáo chuyên đề về kinh tế Châu Á vừa công bố hôm 4.7 của Tập đoàn tài chính Nomura cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Báo cáo quý I/2009, Nomura đã khẳng định: "Kinh tế Việt Nam đã chạm đáy", nhưng tăng trưởng GDP 2009 dự kiến chỉ ở mức 4%. Báo cáo mới này đã nâng mức dự báo lên 4,9% và dự kiến cho năm 2010 là 6,4% (dự báo cũ là 6%).
Theo các số liệu dự báo của Nomura, tăng trưởng 4,9% của Việt Nam thuộc nhóm mạnh nhất Châu Á trừ Nhật Bản (bình quân chung là 4,7%), trong đó nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ được dự báo tăng trưởng ấm như Hồng Kông (-5%), Malaysia (-4,2%), Singapore (-7,3%), Thái Lan (-4,3%)…
Cũng giống như các dự báo của HSBC, Nomura đánh giá chính sách tiền tệ và tỉ giá sẽ không có nhiều biến động mạnh. Lãi suất cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định ở mức 7% cho đến hết năm 2009 và có thể tăng nhẹ lên 7,5% trong năm 2010 (HSBC dự kiến có thể tăng lên 8% năm 2010). Tỉ giá VND/USD theo HSBC cuối năm có thể là 17.962, thấp hơn một chút so với ước tính của Nomura là 18.180 đồng.
Thị trường chờ đợi
Các đánh giá lạc quan của những tổ chức tài chính lớn trên thế giới có tác dụng tích cực đối với nhóm NĐTNN hơn là NĐTTN trên TTCKVN. Tuy nhiên, ngoài những con số, điểm đáng chú ý là sự thay đổi liên tục theo hướng tích cực của các dự báo cho thấy tình hình đang trong quá trình tiến triển hơn là đi ngang. Điều đó cho phép một sự kỳ vọng lớn hơn vào thời gian còn lại cuối năm, khi sự khó khăn của các nền kinh tế khác có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam cũng giảm bớt.
Phân tích thị trường của khá nhiều CTCK tuần qua cũng cho thấy một sự cẩn trọng và lưỡng lự. Tâm lý của số đông NĐT được cho là ổn định và không mấy hoảng hốt trước sự điều chỉnh đang diễn ra vì kinh tế vĩ mô khó có thể xấu đi, nếu không muốn nói là sẽ tốt hơn; thông tin về kết quả kinh doanh quý II chuẩn bị được công bố là một lực đẩy không thể bỏ qua, nhất là khi nhiều DN đã ước tính số liệu tăng trưởng khá cao.
Đặc biệt, lượng tiền đổ ròng vào thị trường từ khối NĐTNN là đặc điểm nổi bật tuần qua. Điều đáng nói là hoạt động mua ồ ạt này đã xóa tan nghi ngờ về mục đích làm đẹp báo cáo tài chính quý II của các quỹ vì kéo dài sang cả những ngày đầu tháng 7.
Giảm chung cuộc 25,93 điểm tuần qua, tương đương 5,6% nhưng VN-Index liên tiếp hai phiên cuối tuần không xuyên thủng được mức hỗ trợ 420 điểm, tương đương mức bình quân giá 50 ngày. Chạm vùng hỗ trợ này, khối lượng bán ra đã giảm đáng kể trong khi lực mua tăng lên và VN-Index đã có hai phiên phục hồi nhẹ.
Thống kê cũng cho thấy, tổng bán tuần qua giảm tới 27% trong khi tổng mua chỉ giảm 15%. Đặc biệt, khối lượng dư mua tăng mạnh về cuối tuần cho thấy sức cầu vẫn rất tốt nhưng không tranh mua đẩy giá lên. Lượng dư bán giảm mạnh chứng tỏ áp lực bán giá thấp không nhiều.
Cung cầu không gặp nhau về giá là nguyên nhân khiến khối lượng giao dịch giảm tới 18%, đạt mức thấp nhất trong 10 tuần gần đây. Đây là một khởi đầu rất tích cực trong bối cảnh thị trường lưỡng lự chờ đợi những thông tin hỗ trợ mới, nhất là sau khi mức điều chỉnh của VN-Index đã đạt 16% nhưng nhiều mã đã giảm tới trên 20%.