Mặc dù còn nhiều ý kiến về chính sách tiền tệ cho thời kỳ sau suy giảm kinh tế, nhưng các chuyên gia lẫn doanh nhân có mặt tại buổi hội thảo "Vai trò của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm", do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức vào cuối tuần trước tại Đà Lạt, đều có chung quan điểm là chính sách phải giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh bằng chính năng lực của mình.
Khó có khả năng kéo dài gói hỗ trợ lãi suất

Có hai luồng ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên kéo dài các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên viên Bộ Tài Chính, cho biết hiện các doanh nghiệp đang lo lắng khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn chấm dứt vào cuối năm họ sẽ khó khăn.

"Đến nay vẫn chưa có đánh giá chính xác về đà suy giảm đã thực sự ngừng chưa để làm cơ sở quyết định dừng hay tiếp tục các gói kích cầu. Quan điểm riêng của tôi là cần tiếp tục có một gói kích cầu nhỏ hơn trong thời gian tới, tập trung vào đối tượng thực sự cần vốn hơn, lãi suất hỗ trợ không nhất thiết là 4% mà có thể ở mức hợp lý hơn", ông Thịnh nói.


Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất đã phần nào tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và ngân hàng dễ dàng hơn trong việc giải ngân vốn kích cầu, và khi nền kinh tế cân bằng trở lại, việc hỗ trợ chấm dứt, các ngân hàng và doanh nghiệp đó sẽ bị hụt hẫng. Do đó, ngay từ bây giờ cần phải thiết kế nội dung để rút dần gói kích cầu này, tránh gây sốc đột ngột, ông nói.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp tham gia hội thảo, đại diện tập đoàn Đầu tư Hoa Việt cho rằng cần sớm bỏ gói kích cầu vì nó đang tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa các doanh nghiệp được và không được vay vốn hỗ trợ, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và nuôi dưỡng thói ỷ lại trong một bộ phận doanh nghiệp. Nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh bằng năng lực của mình.

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng trước khi đưa ra chính sách, Chính phủ lẫn NHNN đã lắng nghe, nghiên cứu rất nhiều giải pháp và đã quyết định chọn giải pháp hỗ trợ lãi suất vốn chưa có tiền lệ tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác.

Mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực nhưng tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua suy giảm kinh tế của giải pháp này là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, Thống đốc cũng đồng ý rằng ngoài việc giúp doanh nghiệp vượt qua suy thoái, các chính sách tiền tệ cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hậu suy giảm.

"Vì vậy, các doanh nghiệp đừng quá ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Việc kéo dài gói hỗ trợ lãi suất từ 6-8 tháng, Chính phủ vẫn chưa bàn bạc, nhưng theo tôi khó mà thực hiện vì đây là chính sách lớn của cả nước chứ không phải của riêng NHNN", ông Giàu nói. Còn vấn đề có thêm gói hỗ trợ thứ hai, thứ ba, Chính phủ đã họp và thảo luận nhiều, tuy nhiên chính sách cụ thể sẽ được đưa ra căn cứ trên diễn biến của thị trường thế giới.

"Phá giá đồng Việt Nam chưa chắc đã tốt cho xuất khẩu, chưa kể cứ đồng Việt Nam mất giá 5% so với đô la Mỹ, thì ngân sách nhà nước phải trả thêm 26.000 tỉ đồng và doanh nghiệp phải trả thêm 13.000 tỉ đồng nợ nước ngoài mỗi năm", Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nói tại hội thảo ở Đà Lạt vào tuần trước.

Ông Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, góp ý việc ngừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ không gây sốc gì cho doanh nghiệp và ngân hàng, vấn đề của NHNN là đưa ra các chính sách khai thông nguồn vốn hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn để các doanh nghiệp tự tái cấu trúc và phát triển trong thời kỳ hậu suy giảm.

"Còn chênh lệch về giá thì sẽ còn tiêu cực. Chính phủ nên có thông báo rõ ràng về chủ trương, tiếp tục hay không và tiếp tục gói hỗ trợ nào để các doanh nghiệp khỏi phải chờ đợi", ông Lịch nói.

Tỷ giá nên thế nào?

Một vấn đề được nhiều đại biểu tham dự quan tâm là tình hình ngoại tệ đang rất căng thẳng. Thống đốc thừa nhận chính sách hỗ trợ lãi suất đã phần nào gây sức ép lên tỷ giá do lãi suất vay tiền đồng và ngoại tệ gần bằng nhau, khiến doanh nghiệp có ngoại tệ cũng muốn vay tiền đồng và ngân hàng thiếu ngoại tệ bán cho doanh nghiệp. "Vấn đề này chỉ có thể giải quyết từ từ. Trước mắt, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay ngoại tệ xuống thấp hơn để khuyến khích doanh nghiệp vay ngoại tệ. Đã có thời điểm dư nợ ngoại tệ giảm đến 9,5%, nhưng nay đã tăng trở lại", ông Giàu nói.

Các chuyên gia tham dự hội thảo đều có chung đề xuất là NHNN nên điều hành chính sách tỷ giá theo hướng giảm dần giá trị của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng Việt Nam đang nhập siêu và đến 80% nguyên liệu của các ngành xuất khẩu thế mạnh như dệt may, da giày là từ nhập khẩu. "Vậy phá giá đồng Việt Nam chưa chắc đã tốt cho xuất khẩu, chưa kể cứ đồng Việt Nam mất giá 5% so với đô la Mỹ, thì ngân sách nhà nước phải trả thêm 26.000 tỉ đồng và doanh nghiệp phải trả thêm 13.000 tỉ đồng nợ nước ngoài mỗi năm", ông nói. Ông Giàu nói thêm là từ đầu năm 2008 đến nay, đồng Việt Nam đã bị mất giá 11% so với đồng đô la Mỹ.

Góp phần hiến kế giải quyết tình trạng căng thẳng đô la Mỹ trên thị trường, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, trong tham luận của mình cho rằng: "Vị trí độc tôn của đồng đô la đang bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu và khu vực đang mở ra cơ hội cho nước ta tái cơ cấu đồng tiền sử dụng trong thanh toán và dự trữ. Do đó, nếu chúng ta giải quyết được việc đa dạng hóa đồng tiền thanh toán nhập khẩu thì phần nào sẽ giải quyết được tâm lý này và lành mạnh hóa thị trường ngoại hối", ông Hải nói.

Kết thúc hội thảo, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết từ nay đến cuối năm, các chính sách về tăng trưởng tín dụng (ở mức khoảng 30%), lãi suất, tỷ giá sẽ không có biến động nhiều. Chính sách hỗ trợ lãi suất vẫn tiếp tục thực hiện như đã công bố và Chính phủ sẽ quyết định lộ trình hỗ trợ cho năm 2010 sau. Quan trọng là các doanh nghiệp đừng quá ỷ lại vào việc hỗ trợ của Chính phủ, Thống đốc nhắc nhở các doanh nghiệp.