Cuốn sách "Dreaming Beyond Death" (Những giấc mơ vượt qua cái chết) kể về giấc mơ của một số người vào thời điểm cận kề cái chết – một cố gắng nữa của con người trong việc giải mã giấc mơ.

Bi an tu nhung giac mo

Với người xưa, giấc mơ thường được hiểu là sự báo trước điềm lành dữ. Cũng có quan điểm cho rằng giấc mơ là sự diễn đạt huyền bí, không đầy đủ những cảm xúc, ý nghĩ, ước mơ của con người; hoặc quan hệ đến quá khứ, nhất là thời thơ ấu…

Là một nữ giáo sĩ làm việc trong nhà tế bần Marin (California, Mỹ), 10 năm nay, Patricia Bulkley tiếp xúc với cảm xúc thật nhất của những người đang chờ đợi cái chết – nỗi sợ hãi khi sắp phải từ giã cõi đời, những chuyện gia đình đang còn vương vấn, sự khủng hoảng lòng tin… Chẳng hạn như Charles Rasmussen – một thuyền trưởng tàu buôn nghỉ hưu và sắp chết vì bệnh ung thư – đã bị nỗi sợ hãi gặm nhấm cho đến khi, trong một giấc mơ, ông thấy mình đang giương buồm ra một vùng biển lạ vắng lặng, tối đen và mênh mông. "Lạ thay, tôi không còn sợ chết nữa" – Charles tâm sự với Bulkley sau khi kể cho bà về giấc mơ của mình. Đối với Charles, từ lúc ấy, cái chết không còn là sự kết thúc, mà chỉ khởi đầu một cuộc hành trình.

Đó chỉ là một trong nhiều giấc mơ được Bulkley nhắc đến trong cuốn sách đang gây tiếng vang lớn mà bà cùng viết với con trai là Kelly Bulkley, cựu giám đốc Hiệp hội nghiên cứu giấc mơ quốc tế. Đây là tác phẩm đầu tiên về sức mạnh của sự sống trong những giấc mơ khi ai đó gần kề cái chết. Chúng có thể giúp họ xua tan nỗi sợ hãi, tìm ra ý nghĩa lớn hơn của sự sống, thậm chí còn cải thiện được quan hệ của họ với người thân. Dù mới chỉ nghiên cứu sơ bộ, hai tác gia đã đem đến những phân tích đáng chú ý, khi mà cho đến nay có rất ít nghiên cứu đầy đủ về những giấc mơ như vậy.

Những giấc mơ mang ý nghĩa hoặc có tính dự báo trước khi chết xuất hiện ở mọi nền văn hoá và tôn giáo, từ Trung Quốc, Ấn Độ tới Hy Lạp cổ đại. Trong giấc mơ, những người sắp chết thường thấy mình đi xa, hội ngộ với những người thân yêu đã qua đời, hay nhìn thấy những chiếc đồng hồ ngừng chạy. Thường những hình ảnh này rất đơn giản. Một phụ nữ mơ thấy ngọn nến trên bậu cửa sổ bệnh viện tắt phụt, nhấn chìm bà trong bóng đêm – biểu tượng của cái chết đang làm bà sợ hãi – cho đến khi ngọn nến đồng thời được thắp sáng bên ngoài cửa sổ. Một người đàn ông đang đấu tranh để tìm ý nghĩa cuộc sống của mình mơ thấy một sàn nhảy hình vuông, trên đó các đôi nhảy để lại những dấu vết chuyển động trông giống như những dải ruybăng kết thành một tấm đan. "Luôn có một kế hoạch sau tất cả, phải vậy không?" – người đàn ông hỏi Bulkley sau giấc mơ đó.

Nhưng không phải mọi giấc mơ trước khi chết đều dễ chịu. Chúng cũng có thể làm họ sợ hãi, với cảnh bị đuổi bắt qua một thành phố đổ nát, va vào một chiếc xe không người lái rồi rơi xuống hào nước, hoặc trú ẩn trong nhà thờ nhưng lại gặp một cơn bão cuốn đổ mái nhà. "Tôi từng gặp những bệnh nhân khi tỉnh dậy đập ầm ầm vào tấm nệm đầy kích động, vật lộn với ý nghĩ rằng họ sẽ thua trong trận đấu này" – Rosalind Cartwright, Giám đốc nghiên cứu Khoa học ứng xử tại Trung tâm Y tế ĐH Rush (Mỹ), cho biết. Những giấc mơ này cảnh báo những vấn đề chưa được giải quyết của bệnh nhân. Nhưng nỗi sợ hãi cuối cùng lại có thể giúp họ tìm thấy sự thanh thản. "Phớt lờ chúng sẽ gây nguy hiểm cho bạn" – Cartwright nói.

Những nhà nghiên cứu nhận thấy các giấc mơ trước khi chết thường khẩn thiết hơn, sống động hơn, và dễ nhớ hơn là những mẩu giấc mơ chắp nối thường ngày. "Trong suốt cuộc đời, vào những thời điểm khủng hoảng hoặc quá độ nào đó, nhu cầu mơ được đẩy lên cao" – nhà tâm lý học Alan Siegel, ĐH California, nói. Trước một sự kiện càng kịch tính, càng có nhiều giấc mơ về việc giải quyết những chuyện tình cảm có liên quan. Song bản chất của những giấc mơ đó là gì? Liệu những giấc mơ trước khi chết có phải là bằng chứng cho sự hiện hữu của Chúa Trời? Bí mật của giấc mơ mới chỉ vừa được hé mở, và vẫn đang chờ được giải đáp trọn vẹn .

(Theo Newsweek)