Khi nhận đơn xin nghỉ việc của nhân viên, nhà quản trị nhân sự thường có xu hướng cho rằng nhân viên bỏ việc để đi tìm một công việc khác có mức lương cao hơn. Thực tế không hẳn như vậy vì có tăng lương thì kết quả lao động của nhân viên vẫn không thay đổi. Nghiên cứu cho thấy nhân viên bỏ việc vì mức lương cao hơn chỉ chiếm khoảng 12%.

 

Theo những chuyên gia quản trị nguồn nhân lực thì vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là giữ chân nhân viên. Điều đó không có gì là đáng ngạc nhiên vì lý do chi phí và những khó khăn khi thay thế một người đã được đào tạo rất lớn. Hơn ai hết, nhà quản trị nhân sự cần hiểu được những nguyên nhân khiến nhân viên bỏ việc. Dưới đây là bảy lý do tiềm ẩn đáng lưu tâm.

1. Công việc không như mong đợi

Đây là lý do hàng đầu. Để tránh tình trạng này, nhà quản trị khi tuyển dụng nên cho các ứng viên thấy trước những áp lực công việc mà họ sẽ phải đối mặt cũng như những yêu cầu về trách nhiệm mà họ phải cáng đáng.

2. Công việc không thích hợp với tài năng và sở thích

Một họa sĩ tài ba sẽ trở thành kẻ thất bại khi phải chứng tỏ trong môi trường âm nhạc hay y khoa. Mỗi cá nhân đều có một năng lực riêng và họ cần môi trường phù hợp để phát triển khả năng của mình. Công việc của nhà quản trị nhân sự là đặt đúng người đúng chỗ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên cống hiến tài năng.

3. Ít hoặc không có thông tin phản hồi

Nhân viên ngày nay, đặc biệt là những nhân viên trẻ có nhu cầu nắm bắt thông tin từ cấp quản lý một cách thường xuyên. Họ cần những đánh giá, góp ý chân thành và thẳng thắn để tự điều chỉnh cho phù hợp với công việc. Hãy xem nhân viên như là những đối tác của mình để giúp họ chủ động, có trách nhiệm với công việc chứ không phải là một cái máy chỉ biết nhận lệnh và thao tác cứng nhắc.

4. Không có hy vọng phát triển nghề nghiệp

Một doanh nghiệp không có chính sách đào tạo hoặc huấn luyện định kỳ dành cho nhân viên sẽ khiến nhân viên dễ nảy sinh bất mãn, cảm thấy công ty chỉ muốn vắt cạn kiến thức và kinh nghiệm sẵn có của họ. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp hàng đầu đều có những chính sách ưu đãi nhân viên rất tốt, tạo mọi điều kiện cho họ nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng làm việc.

5. Cảm thấy bất tài và không được công nhận

Lương bổng không thỏa đáng là một trong những lý do khiến nhân viên cảm thấy họ không được xem trọng, từ đó dễ nảy sinh tâm lý làm việc qua loa, không nỗ lực hoàn thành công việc. Đây là một trong những nguyên nhân tâm lý khó nhận thấy và dễ lây lan nhất. Nhà quản trị cần lưu ý rằng mọi nhân viên đều có nhu cầu được lắng nghe, được công nhận những đóng góp của họ cho sự phát triển chung.

6. Cảm thấy phải làm việc quá sức và bị căng thẳng

Điều này bắt nguồn từ việc doanh nghiệp không xem trọng sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc của nhân viên. Nhân viên cần thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhằm phục hồi năng lượng sau thời gian dài làm việc liên tục. Giải pháp trong vấn đề này là phát triển văn hóa doanh nghiệp bằng cách thường xuyên tổ chức những chuyến đi dã ngoại, thành lập đội thể thao, giao lưu giữa các phòng ban, đa dạng hóa các hoạt động giải trí tập thể để giải tỏa căng thẳng cho nhân viên.

7. Thiếu những nhà lãnh đạo đáng tín nhiệm

Nhân viên không cần người chỉ tay năm ngón, mà trông đợi nhà lãnh đạo thực sự hiểu biết và quan tâm đến cả việc và người. Bất cứ nhà lãnh đạo tiến bộ nào cũng hiểu rằng họ có mặt để lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của nhân viên. Nhà lãnh đạo phải là người có khả năng xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm của nhân viên. Một khi lãnh đạo và nhân viên đều thống nhất tư tưởng, mục tiêu phát triển thì doanh nghiệp càng có nhiều tiềm lực phát triển mạnh.

Các lý do trên cho thấy cần có những chính sách sử dụng nhân lực chú trọng đến giá trị con người. Doanh nghiệp không nên vì mục tiêu doanh số, lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất đó là xây dựng và duy trì một lực lượng nhân viên ưu tú, trung thành, luôn sát cánh cùng nhau gánh vác khó khăn và chia sẻ thành công.

Theo Royal.vn